Nâng cao chất lượng kiểm toán để quản lý tốt hơn vốn, tài sản công

02/01/2019
Xem cỡ chữ Google

Năm 2018 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam. KTNN đã có nhiều đổi mới nhằm tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó hỗ trợ kiểm soát việc sử dụng hiệu quả vốn, ngân sách, tài sản công. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước về những công việc của ngành.

TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước

Phóng viên (PV): Năm 2018 là năm KTNN có nhiều dấu ấn, đồng chí có thể nhấn mạnh một số thành tựu nổi bật của ngành trong năm qua?

TS Hồ Đức Phớc: Phải khẳng định năm 2018 ngành KTNN đã có dấu ấn trong nhiều hoạt động. Cụ thể như tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra từ ngày 19 đến 22-9 với sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ 46 SAI thành viên, các tổ chức quốc tế và quan sát viên. Tổng KTNN Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Qua đó góp phần nâng cao địa vị pháp lý của KTNN trong nước cũng như trong khu vực và quốc tế, hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn hơn cho hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều mặt của KTNN. Bên cạnh đó, KTNN đã tiến hành đổi mới theo hướng giảm thủ tục hành chính, đổi mới, cải tiến quy trình kiểm toán, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhằm nâng cao trách nhiệm và chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN... Ngay từ khâu lập kế hoạch, KTNN đã chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra các cấp nên cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động kiểm toán. KTNN đã tăng cường tính công khai, minh bạch kết quả kiểm toán. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 sau khi báo cáo Quốc hội đã được in thành sách và công bố công khai toàn bộ nội dung trên Cổng thông tin điện tử KTNN vào đầu tháng 5-2018 để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, đồng thời công tác phát hành báo cáo kiểm toán nhanh, kịp thời. Kết quả kiểm toán đạt cao, nhiều vấn đề được KTNN đánh giá kiến nghị kịp thời được khắc phục.

PV: Hoạt động của KTNN thời gian qua giúp kiểm soát tốt hơn, nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn, ngân sách Nhà nước (NSNN), đặc biệt là đóng góp tích cực vào đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thưa đồng chí?

TS Hồ Đức Phớc: Đúng như vậy! Theo tổng hợp kết quả đến ngày 28-12-2018 của 246/278 báo cáo kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 78.063 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu NSNN là 18.692 tỷ đồng, giảm chi NSNN là 21.508 tỷ đồng. Qua kiểm toán cũng phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng. KTNN cũng chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời cung cấp 146 bộ hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan điều tra để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát theo quy định pháp luật. Nhiều cuộc kiểm toán có kết quả tốt, dư luận đặc biệt quan tâm…

PV: Năm 2019, KTNN sẽ tập trung vào những nội dung kiểm toán nào, thưa đồng chí?

TS Hồ Đức Phớc: Năm 2019 có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, sửa đổi Luật KTNN, năm đầu tiên KTNN đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập KTNN. Đây cũng là năm bản lề tổ chức đại hội đảng các cấp; năm thực hiện kiểm toán niên độ ngân sách năm 2018 với nhiều thay đổi trong quản lý điều hành NSNN, nhất là các cơ chế, chính sách về thuế và đầu tư.

KTNN sẽ tập trung kiểm toán ngân sách năm 2018 của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 13 bộ, cơ quan Trung ương. Đồng thời tập trung kiểm toán một số chuyên đề phạm vi rộng như: Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện và trường học công lập; việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng. KTNN cũng tiến hành kiểm toán nhiều dự án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, như: Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy Đạm Ninh Bình; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng hàng không Quảng Ninh; Dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh-giai đoạn 2... Ngoài ra, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng và thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội, cuộc kiểm toán đất đai trong và sau cổ phần hóa doanh nghiệp và các cuộc kiểm toán khác.

PV: Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán năm 2019, KTNN sẽ có những giải pháp ra sao, thưa đồng chí?

TS Hồ Đức Phớc: Để đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra, KTNN sẽ tập trung vào một số giải pháp chính, như: Bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của ngành một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giảm số lượng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2019, đồng thời thực hiện thí điểm hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường tính độc lập trong hoạt động kiểm toán. Đáng chú ý là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nhằm phát huy năng lực và hình thành tính chuyên nghiệp của kiểm toán viên; tăng cường hiệu lực quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ kiểm toán được giao trong năm. Đặc biệt, KTNN sẽ tập trung giám sát, kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và tổ chức lồng ghép hiệu quả các cuộc kiểm toán để giảm chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG TRƯỜNG GIANG (thực hiện)

Xem thêm »