Sáng hôm qua tại trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước 111 Trần Duy Hưng - Hà Nội, Tổng KTNN Đỗ Bình Dương đã tiếp xã giao ông Jean Arthuis, Chủ tịch Uỷ ban tài chính Thượng nghị viện, cựu bộ trưởng Bộ kinh tế - tài chính và công nghiệp Cộng hoà Pháp nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án hợp tác (quản lý kinh tế) liên kết với Bộ tài chính và Uỷ ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội Việt Nam.
Tổng KTNN Đỗ Bình Dương đã giới thiệu với ông Jean Arthuis về lịch sử 10 năm hình thành và hoạt động, tổ chức bộ máy, địa vị pháp lý và một số kết quả trong hoạt động của KTNN Việt Nam trong thời gian qua; đặc biệt là sự đóng góp rất đáng kể trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí thời gian gần đây. Tổng KTNN cũng thông báo với ông Jean Arthuis việc Việt Nam đang xúc tiến xây dựng dự thảo Luật KTNN để trình xin ý kiến Quốc hội cuối năm nay, dự kiến thông qua vào năm 2005; kỳ họp Quốc hội cuối năm 2004 cũng sẽ có chương trình nghị sự về vấn đề sắp xếp cơ quan KTNN vào vị trí nào trong hệ thống công quyền Nhà nước để phát huy tối đa tính độc lập, khách quan và hiệu quả, hiệu lực của hoạt động KTNN; Chính phủ hiện nay cũng hết sức quan tâm việc đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của KTNN đạt ngang tầm với vai trò, nhiệm vụ được giao và ngay trong thời điểm hiện nay, việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động kiểm toán đang được triển khai. Tổng KTNN Nhà nước Đỗ Bình Dương cho rằng, với khoảng thời gian xây dựng và hoạt động chưa lâu, KTNN Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải học hỏi, tiếp thu rất nhiều những kiến thức và kinh nghiệm thích hợp với điều kiện Việt Nam của các nước đi trước, đặc biệt là những nước có lịch sử phát triển kiểm toán lâu đời và tiên tiến thuộc châu Âu như Cộng hoà Pháp.
Ông Jean Arthuis nhận xét rằng cho đến thời điểm này Việt Nam đã có rất nhiều thành công, tiến bộ về phát triển kinh tế và đó là hiệu quả của một tiến trình đổi mới, một cơ chế tài chính công, trong đó cho thấy có rất nhiều đóng góp của KTNN Việt Nam. Giới thiệu về Toà Thẩm kế nước Cộng hoà Pháp (gọi theo cách khác là Thẩm kế viện), ông Jean Arthuis cho biết cơ quan này được tổ chức giống như toà án. Thành viên của Thẩm kế viện là những thẩm phán và được nghị viện dành cho những quyền, khả năng hoạt động độc lập với tất cả các cơ quan Nhà nước. Thẩm kế viện được tổ chức thành các phòng khác nhau, mỗi phòng đảm nhiệm một hoạt động hoặc lĩnh vực nhất định; sau khi tiến hành kiểm toán mỗi lĩnh vực, mỗi vấn đề thì các thẩm phán là người đưa ra các ý kiến nhận xét, đánh giá, đề xuất cuối cùng về vấn đề đó. Tất cả các quyết định của Thẩm kế viện đều được dựa trên ý kiến của Bồi thẩm đoàn (tập thể các thẩm phán).
Luật Ngân sách Nhà nước mới của Pháp được thông qua tháng 8/2001 đã nâng cao vai trò và quyền của Thẩm kế viện lên nhiều lần so với các cơ quan hành pháp của Chính phủ; quy định Thẩm kế viện được quyền giám sát, kiểm tra tất cả những số liệu, tài khoản do Chính phủ đưa ra. Theo cơ chế hoạt động mới, nghị viện Cộng hoà Pháp (gồm thượng viện và hạ viện) có quyền yêu cầu Thẩm kế viện điều tra hoặc cử các thẩm phán trực tiếp đến làm việc, hỗ trợ cho các thành viên uỷ ban tài chính thuộc các viện. Cũng theo cơ chế mới thì các thành viên thuộc uỷ ban tài chính hai viện có trách nhiệm rất nặng nề, đặc biệt là trong hoạt động giám sát. Điều đó có nghĩa khi Uỷ ban tài chính tiến hành những đợt điều tra mang tính chất riêng biệt của nghị viện thì đã có sự tham gia của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ; sự tham gia của các cán bộ thuộc hai viện. Ngoài ra cũng có thể có sự tham gia của các cơ quan bên ngoài, các chuyên gia, các văn phòng kiểm toán tư nhân. Sự tham gia của các tác nhân bên ngoài thường được sử dụng trong những đợt điều tra và đặc biệt là những hoạt động điều tra không thường xuyên; đối với những lĩnh vực có yếu tố kỹ thuật cao thì sự tham gia này hết ức có ý nghĩa và quan trọng. Ngoài ra nghị viện còn có quyền yêu cầu các cơ quan bên ngoài khác hỗ trợ, tương tự như yêu cầu sự hỗ trợ của Thẩm kế viện.
Ông Jean Arthuis bày tỏ sự cảm động và hài lòng về buổi làm việc. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam đã ý thức cao và đánh giá đúng vai trò của cơ quan KTNN và đã dành cho KTNN Việt Nam nhiều quyền tự chủ và độc lập trong hoạt động của mình. Thông qua hoạt động này, các nhà lãnh đạo thuộc chính phủ, doanh nghiệp sẽ có được những thông tin trung thực, tin cậy phục vụ cho hoạt động quản lý; điều đó góp phần quan trọng đảm bảo để Việt Nam có được những quyết sách đúng đắn.