Hội thảo "Hoàn thiện phương pháp và hướng dẫn kiểm toán môi trường"
Sáng 26/3/2018, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện phương pháp và hướng dẫn kiểm toán môi trường". Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ có nghiệp vụ, kinh nghiệm liên quan đến kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường của KTNN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân ngày càng nâng lên, thì vấn nạn ô nhiễm, suy thoái môi trường đang là vấn đề cấp thiết được Đảng, nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức về bảo vệ môi trường do sự khai thác quá mức, thiếu bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, khoáng sản, nguồn nước... và việc quản lý, xử lý các nguồn phát thải sinh ra từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt yếu kém. Trong bối cảnh đó, khái niệm kiểm toán môi trường bắt đầu hình thành như là một công cụ quan trọng nhằm kiểm tra, tăng cường tính hiệu quả của các chương trình, chính sách môi trường do Chính phủ ban hành.
Nhận thức được tầm quan trọng và xu thế phát triển tất yếu của kiểm toán môi trường, năm 2008, KTNN đã thành lập nhóm Kiểm toán môi trường, cử nhiều Kiểm toán viên tham gia các khóa đào tạo, hội thảo quốc tế về kiểm toán môi trường để làm đầu mối tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về KTMT, thực hiện một số hoạt động tham mưu cho lãnh đạo KTNN để phát triển hoạt động kiểm toán môi trường của KTNN.
Tháng 10/2015, KTNN thành lập Phòng KTMT thuộc Vụ Hợp tác quốc tế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ KTMT cho Vụ Hợp tác quốc tế để triển khai nghiên cứu những kinh nghiệm của các SAIs trong lĩnh vực KTMT và từng bước triển khai áp dụng KTMT tại KTNN.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, sau hơn 02 năm hoạt động, Phòng KTMT thuộc Vụ Hợp tác quốc tế đã tổ chức thực hiện được một số cuộc kiểm toán hoạt động về môi trường với chủ đề quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp, qua đó đã kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các địa phương, các chủ đầu tư KCN và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách, quy định liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên việc triển khai các cuộc KTMT ở KTNN còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực, kỹ thuật; tổ chức bộ máy chưa chuyên nghiệp; sự quan tâm tham gia của các đơn vị còn hạn chế... đặc biệt là chưa có một công cụ quan trọng là Hướng dẫn kiểm toán về KTMT để giúp Kiểm toán viên có định hướng tiếp cận và áp dụng khi triển khai các cuộc kiểm toán môi trường.
Nhằm đáp ứng yêu cầu trên và từng bước đưa KTMT chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động kiểm toán của KTNN, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc xây dựng Hướng dẫn KTMT của KTNN, tổ soạn thảo do Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì đã nghiên cứu các tài liệu, hướng dẫn... về KTMT trong và ngoài nước, đặc biệt là Hướng dẫn KTMT của INTOSAI, ASOSAI và KTNN Ấn Độ để xây dựng dự thảo Hướng dẫn KTMT lần đầu tiên của KTNN.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các đại biểu trực tiếp tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo; tổ soạn thảo lắng nghe các ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị, để bổ sung, hoàn thiện dự thảo, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành và áp dụng vào hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.
Sau phần phát biểu khai mạc, ông Phan Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đã báo cáo tóm tắt nội dung Hướng dẫn KTMT. Theo đó, tài liệu gồm 04 chương: Chương 1 - Quy định chung; Chương 2 - Giới thiệu chung về môi trường và kiểm toán môi trường; Chương 3 - Các giai đoạn tiến hành KTMT; Chương 4 - Kiểm toán đối với chủ đề và lĩnh vực môi trường cụ thể.
Tài liệu được xây dựng nhằm trang bị nhận thức, kiến thức cơ bản về môi trường, quản lý môi trường và tác động môi trường đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, sức khỏe con người. Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng thực hiện KTMT bao gồm: Vai trò của KTNN trong quản lý môi trường, khái niệm, mục tiêu, các loại hình KTMT, phương pháp tiến hành KTMT, đặc biệt là các phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán trong lĩnh vực môi trường.
Tài liệu hướng dẫn thực hiện cuộc KTMT theo từng giai đoạn tiến hành cuộc kiểm toán của KTNN; hướng dẫn cụ thể khi tiến hành kiểm toán đối với một số chủ đề môi trường phổ biến như: Kiểm toán các chương trình, dự án về môi trường; kiểm toán tác động môi trường của các chương trình, dự án; kiểm toán các hệ thống quản lý và báo cáo môi trường; kiểm toán đánh giá tác động môi trường; kiểm toán các vấn đề môi trường có tính liên ngành và một số lĩnh vực môi trường cụ thể như: Kiểm toán việc quản lý chất thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu...
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã sôi nổi tham gia ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo. Bên cạnh các ý kiến về quan điểm, định hướng còn có nhiều ý kiến góp ý về thuật ngữ, khái niệm, kết cấu các chương, mục... để đảm bảo tính logic, sự nhất quán xuyên suốt tài liệu. Các đại biểu đề nghị tổ soạn thảo cân nhắc biên tập tài liệu theo hướng đề cập cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động) và phân định rõ 02 nội dung: Kiểm toán đối với một số chủ đề môi trường và kiểm toán một số lĩnh vực môi trường ... Việc soạn thảo tài liệu hướng dẫn cần căn cứ vào chuẩn mực, quy trình của KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật của VN về môi trường.
Thay mặt tổ soạn thảo, ông Phan Trường Giang cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu đề hoản thiện dự thảo theo hướng khả thi.
Tán thành với các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên kết luận: Việc sớm ban hành Hướng dẫn KTMT là yêu cầu cấp bách, vấn đề then chốt giúp cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện KTMT ngày một chính quy, hiệu quả hơn, góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá trong hoạt động của ngành. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng đây là tài liệu khó, tổ soạn thảo cần tiếp cận tài liệu dựa trên các quy định của KTNN đặc biệt là quy trình, chuẩn mực KTNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo Tổ soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành./.