Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc: Chấn chỉnh kỷ cương trong thu - chi ngân sách nhà nước

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc thông tin trong 6 tháng đầu năm 2020, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 16.000 tỷ đồng, góp phần quản lý nguồn thu, chi ngân sách, quản lý đất đai, tài sản của nhà nước đồng thời chấn chỉnh kỷ cương trong thu - chi ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công.

Sáng 29/9, tại xã Thanh Lĩnh các đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 4 gồm các ông, bà: Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước; Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Thị Kiều Trinh - Phó trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Thanh Chương.

Dự hội nghị có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Thanh Chương

Băn khoăn sau sáp nhập thôn, xóm

Tại buổi tiếp xúc cử tri có 20 lượt ý kiến của cử tri huyện Thanh Chương phản ánh với đại biểu Quốc hội liên quan đến các nhóm vấn đề: Quản lý đất đai liên quan đến đấu giá đất và quy hoạch sử dụng đất còn bất cập; chế độ chính sách người có công với cách mạng, hội đặc thù, cán bộ cơ sở, bất cập sau sáp nhập đơn vị hành chính thôn, xóm bản,…

Phản ánh với đại biểu Quốc hội, ông Trần Văn Châu – Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong xã Thanh Lĩnh đề xuất, đất đai là tài sản của nhà nước khi thực hiện đấu giá đất thì cơ quan Nhà nước phải đứng ra chủ trì đấu giá đất để nhân dân yên tâm, tin tưởng không để công ty tư nhân đứng ra chủ trì, tránh tình trạng “cò” đất, xã hội đen can thiệp.


 

Cử tri huyện Thanh Chương kiến nghị với đại biểu Quốc hội


Cử tri Nguyễn Văn Trường xã Thanh Lĩnh phản ánh: Sáp nhập thôn, xóm là chủ trương đúng nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập, như sau sáp nhập số lượng dân cư đông, địa hình rộng trong khi nhà văn hóa theo quy mô xóm cũ không phù hợp với quy mô xóm mới.

Sau sáp nhập đơn vị hành chính thôn, xóm và xã nhất là lãng phí về trụ sở làm việc, nhà văn hóa xóm. Đề nghị Quốc hội có chủ trương định hướng về sáp nhập có lộ trình cụ thể để tránh lãng phí, chồng chéo trong đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đức Chung (Thanh Lĩnh) cho rằng: Những năm qua Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới người có công, tuy nhiên đời sống của nhiều gia đình có công còn thấp so với mức sống bình quân của xã hội. Quốc hội cần nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ cho những gia đình người có công với cách mạng nhằm đảm bảo đời sống cho họ; nâng chế độ thờ cúng liệt sỹ.

Chấn chỉnh kỷ cương trong thu - chi ngân sách

Trả lời làm rõ kiến nghị của cử tri liên quan đến việc đấu thầu đất ở có công ty đấu giá, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định việc đấu giá đất là thẩm quyền của UBND huyện còn công ty đấu giá đất chỉ đứng ra điều hành. Số tiền đấu giá đất trừ chi phí đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của HĐND tỉnh.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh và Quyết định 14 của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, Tổng Kiểm toán nhà nước thông tin hiện Quốc hội đang có chủ trương tạm ngừng việc sáp nhập thôn, xóm, xã để rút kinh nghiệm chỉ đạo.

Đối với các ý kiến của cử tri về chính sách cho người có công, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết sẽ chuyển các ý kiến đến Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Làm rõ vai trò hoạt động của cơ quan Kiểm toán nhà nước đối với cử tri, người đứng đầu Kiểm toán nhà nước khẳng định toàn ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2020 đã kiến nghị xử lý tài chính 307 ngàn tỷ đồng, tăng 4 lần so với 5 năm trước, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 16 vụ án. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 16.000 tỷ đồng. Qua đó đã đóng góp quản lý tốt nguồn thu, chi ngân sách, quản lý đất đai, tài sản của nhà nước đồng thời chấn chỉnh kỷ cương trong thu - chi ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị


Trả lời những băn khoăn của cử tri về việc quy hoạch chưa phù hợp, việc sử dụng đất của các nhà văn hóa, trụ sở xã sau sáp nhập thôn, xóm, xã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã nhấn mạnh: Việc chọn vị trí nhà văn hóa thôn, xóm, trụ sở làm việc do xã quyết định. Xã, thị trấn lựa chọn và tham mưu cho huyện đưa vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương, trình HĐND các cấp phê duyệt.

 “Đối với các nhà văn hóa xóm sau sáp nhập xóm hiện nay đang tạm dôi dư đề nghị các địa phương để làm nơi sinh hoạt của cụm dân cư, tổ tự quản, kiên quyết không được chuyển đổi”- Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đề nghị.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trả lời làm rõ các kiến nghị của cử tri về chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở, chính sách đối với nghệ nhân, vấn đề thủy điện, đường giao thông xuống cấp, cải tạo vườn,…

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu Quốc hội tiếp thu, tổng hợp kiến nghị đến các cơ quan, ban, ngành thuộc thẩm quyền./.

Theo Báo Nghệ An