Giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng” trong giai đoạn phát triển mới

Nhân kỷ niệm 27 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2021), đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước - đã có những chia sẻ cởi mở với Báo Kiểm toán về những thành tựu mà Ngành đã đạt được, những khó khăn, thách thức đang đặt ra, cũng như định hướng triển khai nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó để KTNN quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, tuy vừa đảm nhận cương vị Tổng Kiểm toàn Nhà nước nhưng với những thành tựu mà KTNN đạt được trong 27 năm qua chắc hẳn đã để lại cho đồng chí những ấn tượng đặc biệt. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước vui lòng chia sẻ những suy nghĩ, ấn tượng của mình về thành tựu mà KTNN đã đạt được?

- Có thể thấy trong 27 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, như:

Thứ nhất, hoạt động kiểm toán hằng năm đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, do đó kết quả kiểm toán luôn có độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, nhất là phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán NSNN. Bên cạnh đó, KTNN đã chú trọng kiểm toán đến tính hiệu lực của chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, bịt “lỗ hổng” tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị DN của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ năm 1994-2020 cho thấy, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính trên 540.000 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi NSNN hơn 230.000 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ khoảng 1.520 văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ không còn phù hợp với thực tế, trong đó nhiều kiến nghị có tác động lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội, đột phá vào nhiều lĩnh vực mới, như các kiến nghị liên quan đến dự án BT, BOT, các dự án trọng điểm, đất đai, khoáng sản…

KTNN cũng đóng góp tích cực vào việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý tham nhũng, chủ động chuyển những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, cung cấp hàng trăm hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát…

Thứ hai, một thành tựu quan trọng nữa là vị thế của KTNN đã được khẳng định, địa vị pháp lý của KTNN được hiến định trong Hiến pháp, Luật KTNN năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, qua đó xác định rõ vai trò, vị trí của KTNN là hết sức quan trọng trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế cũng đã vươn lên một tầm cao mới. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng khi KTNN Việt Nam luôn tích cực, chủ động phát huy tốt vai trò thành viên của các tổ chức kiểm toán tối cao thế giới và khu vực như: INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI... Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác liên khu vực giữa ASOSAI với Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu, châu Phi, các nước Ả-rập, vùng Ca-ri-bê, châu Mỹ La-tinh. Trong khu vực ASEAN, KTNN Việt Nam luôn là thành viên tích cực và được đánh giá rất cao với sáng kiến triển khai cuộc “Kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”…

Thứ ba, KTNN đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên cả về số lượng, cơ cấu có năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, giỏi nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ và yêu cầu nhiệm vụ mới.

Cùng với những kết quả nổi bật trong chỉ đạo điều hành đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, chú trọng nghiên cứu để xây dựng đồng bộ hệ thống chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn và hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đa dạng hóa phương thức đào tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Ngành…, có thể khẳng định những thành tựu mà KTNN đã đạt được trong 27 năm qua là khá toàn diện.

Tiếp nhận trọng trách vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể điểm qua những khó khăn, thách thức mà toàn Ngành đang phải đối mặt khi thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh hiện nay?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, hoạt động kiểm toán của KTNN cũng đã và đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn, thách thức thứ nhất và quan trọng hàng đầu là đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng, đơn vị được kiểm toán và từng kiểm toán viên. Khó khăn, thách thức này càng lớn hơn khi địa bàn hoạt động của KTNN trải dài trên khắp cả nước, trong đó có nhiều địa phương là “điểm nóng” của dịch bệnh.

Thứ hai là thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2021 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn thành trước ngày 30/11/2021. Khó khăn, thách thức này là rất lớn khi nhiều cuộc kiểm toán phải thay đổi, điều chỉnh quy mô, phạm vi, phương án tổ chức thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kiểm toán và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả kiểm toán. Đơn cử như việc tiếp cận tài liệu, thông tin từ đơn vị được kiểm toán gặp nhiều khó khăn do kiểm toán viên phải hạn chế tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; nhiều thời điểm các cơ quan, đơn vị, trong đó có cả KTNN phải thực hiện giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái làm việc trực tuyến… Hạn chế này đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu thập bằng chứng kiểm toán.

Thứ ba là việc đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN cũng gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị được kiểm toán phải “căng mình” ứng phó với đại dịch Covid-19.

 Với tinh thần chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ cao nhất cho các đơn vị được kiểm toán thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo KTNN luôn theo dõi sát tình hình, chủ động, linh hoạt và kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác kiểm toán một cách phù hợp. Trong đó, KTNN đã ban hành Công văn số 524/KTNN-PC ngày 24/5/2021 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán; Công văn số 548/KTNN-TH ngày 31/5/2021 về việc tổ chức hoạt động kiểm toán trong điều kiện dịch Covid-19. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu toàn ngành KTNN quán triệt quan điểm ưu tiên tối đa cho công tác phòng dịch Covid-19, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế và các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch thực hiện nhiệm vụ, trong thời gian từ nay đến hết năm 2021 chưa thực hiện kiểm toán đối với ngành y tế, Bộ Chỉ huy quân sự, Sở Công an tại các địa phương đang có dịch; đồng thời lùi thời gian kết thúc các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2021 từ ngày 31/10/2021 sang ngày 30/11/2021 để các đơn vị chủ động sắp xếp phương án tổ chức kiểm toán cho phù hợp.

Đến thời điểm này, toàn Ngành vẫn đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ kiểm toán cũng đang được triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu. Các đoàn kiểm toán đều nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Ngành đã đề ra.

Hiện nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước đang chỉ đạo toàn Ngành tích cực triển khai Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Là người đã từng kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận thấy những yếu tố nào là quan trọng nhất sẽ giúp KTNN phát huy tốt vai trò, sức mạnh tổng thể, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững trong giai đoạn phát triển mới?

- Trước khi Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2011-2020 kết thúc, KTNN đã tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) nhằm đáp ứng yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là tiếp tục củng cố, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công, nguồn lực công của Nhà nước. Ngày 16/9/2020, Chiến lược đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14.
 
Quang cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VII

Chiến lược chỉ rõ, có 3 yếu tố quan trọng mang tính trụ cột giúp KTNN phát huy tốt vai trò, sức mạnh tổng thể, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.

Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN phù hợp bối cảnh và xu hướng mới; thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về KTNN với hệ thống pháp luật chung, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Hai là, nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Ba là tích cực tham gia vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai; tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao; ứng dụng CNTT để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

KTNN bước sang tuổi 27 đầy sung sức, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ cùng toàn Ngành gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán tài chính công, tài sản công bằng những giải pháp đột phá nào?

Bước sang giai đoạn phát triển mới, xác định mục tiêu KTNN phải là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, KTNN cần thực hiện những giải pháp đột phá sau:

Một là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống Chuẩn mực KTNN, quy trình, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán đã ban hành; đồng thời nghiên cứu xây dựng cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán cho từng lĩnh vực, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số.

Hai là, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm toán đồng thời xây dựng và hoàn thiện các phần mềm hỗ trợ kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến tổ chức thực hiện kiểm toán. Sự sẵn có thông tin cũng như việc tiếp cận cơ sở dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán sẽ giúp KTNN giảm thời gian kiểm toán, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình kiểm toán và nhanh chóng xác định được trọng yếu kiểm toán. Cơ sở dữ liệu cũng tạo điều kiện thuận lợi để KTNN thực hiện kiểm toán tại trụ sở KTNN, giảm thiểu tác động của hoạt động kiểm toán đến đơn vị được kiểm toán.

Ba là, phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước có đạo đức nghề nghiệp, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý đáp ứng nhiệm vụ kiểm toán quyết toán NSNN các Bộ, ngành, địa phương và kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức kiểm toán viên; đề cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của trưởng đoàn, kiểm toán trưởng; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nội quy cơ quan, lợi dụng, tham nhũng..., không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử.

Song song với việc nâng cao chất lượng kiểm toán, ý kiến về dự toán NSNN để kịp thời đưa ra các phân tích, ý kiến cảnh báo, tư vấn ngay từ khâu lập dự toán phục vụ Quốc hội, Chính phủ trong công tác giám sát, quản lý, điều hành, đánh giá những kịch bản hoặc dự báo có thể xảy ra trong trung và dài hạn liên quan đến các chu kỳ phát triển của nền kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

Hồng Thoan thực hiện
(Báo Kiểm toán số 27/2021)