Nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động kiểm toán, thanh tra

(sav.gov.vn) - Chiều 22/9/2021, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai Cơ quan. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đồng chủ trì Lễ ký.

Tham dự và chứng kiến Lễ ký có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
 
Dự thảo Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ gồm 03 chương, 12 điều, quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ trong việc: Xây dựng Kế hoạch thanh tra và Kế hoạch kiểm toán năm; xử lý trùng lặp, chồng chéo khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán; sử dụng kết quả thanh tra, kết quả kiểm toán; cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm toán; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán; đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm toán.
 
Theo đó, chậm nhất vào ngày 30 tháng 9 hàng năm, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp trao đổi ý kiến về dự kiến Kế hoạch thanh tra và Kế hoạch kiểm toán năm để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra.
 
Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm thông báo dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước tới Thanh tra Chính phủ để gửi thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý trùng lặp, chồng chéo khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm.
 
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm gửi Thanh tra Chính phủ, đồng gửi Kiểm toán nhà nước để phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trường hợp cần thiết thì Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để xem xét, quyết định.
 
Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo về nội dung và thời gian tại cùng một đơn vị thì Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ phối hợp xử lý theo nguyên tắc cơ quan ban hành Quyết định thanh tra, Quyết định kiểm toán trước thì tiếp tục thực hiện.
 
Trường hợp cần thiết, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ có thể trao đổi, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán thể hiện trong Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra và chịu trách nhiệm về việc sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán đó.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Lễ ký kết

Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá, trong thời gian qua, hai cơ quan đã có mối quan hệ phối hợp hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán trên cơ sở thực hiện Quy chế phối hợp được ký kết vào năm 2015. Kết quả công tác thanh tra, kiểm toán đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn lực công; kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi Quy chế phối hợp và ký kết lần này là dấu mốc quan trọng nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa hai Cơ quan. Điều này thể hiện tinh thần tích cực, chủ động của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả hai cơ quan.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc ký kết Quy chế phối hợp đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hai Cơ quan có cơ chế phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; xây dựng chương trình, kế hoạch; xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, ký kết Quy chế mới là bước đầu và khâu tổ chức thực hiện trên thực tế mới là quan trọng, quyết định hiệu quả, thành công của Quy chế. Các đầu mối phối hợp cần trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ, thẳng thắn trên nguyên tắc tôn trọng, tạo điều kiện để cán bộ, công chức của hai cơ quan nói riêng và hai ngành nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các đơn vị chức năng thuộc hai cơ quan trong quá trình bàn bạc, trao đổi, hoàn thiện nội dung Quy chế; mong muốn sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Lễ ký kết

 Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của đại diện hai cơ quan, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký thông qua Quy chế phối hợp.

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế phối hợp giữa KTNN và TTCP số 01/QCPH: KTNN-TTCP ngày 10 tháng 3 năm 2015. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị được giao làm đầu mối chủ động trao đổi, thống nhất và đề xuất lãnh đạo hai cơ quan xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
 
Hà Linh