Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn làm việc với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán

(sav.gov.vn) – Sáng 05/8/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác trong 5 tháng cuối năm 2022.

Tham dự buổi làm việc Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ; Lãnh đạo: Văn phòng KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Thanh tra, Vụ Pháp chế và Văn phòng Đảng và Đoàn thể; Lãnh đạo và công chức của Vụ CĐ&KSCLKT.

Báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ Vụ CĐ&KSCLKT, Vụ Trưởng CĐ&KSCLKT Lê Đức Luận cho biết, Vụ được thành lập theo Quyết định số 1365/QĐ-KTNN ngày 2/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước, với chức năng chính: Tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản về chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; Tham mưu xây dựng, ban hành, hướng dẫn chính sách, quy định về KSCLKT và tổ chức công tác KSCLKT. Đến nay Vụ có 05 phòng chuyên môn với tổng số 48 công chức, trong đó có 4 tiến sỹ, 35 thạc sỹ và 9 cử nhân.

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản chế độ trong năm 2022, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT cho biết, Vụ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung 04 văn bản quy phạm pháp luật: Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; Hệ thống chuẩn mực (CMKT) KTNN; Quy định về danh mục hồ sơ kiểm toán, chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán; Quy trình kiểm toán của KTNN.
 
Về hệ thống mẫu biểu hồ sơ:  Sau khi nghiên cứu thông báo kết luận của Lãnh đạo KTNN số 1325/TB-KTNN ngày 16/12/2021, Vụ CĐ và KSCLKT đã nghiên cứu, báo cáo trực tiếp với Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh và báo cáo tại Hội nghị Ban cán sự lần 1. Vụ báo cáo nội dung sửa chi tiết với Phó Tỏng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ và đã trình Ban cán sự lần 2 vào ngày 14/07/2022.
 
Hệ thống CMKT ban hành năm 2016 với 39 CMKT được xây dựng trên cơ sở tham khảo Hệ thống CM quốc tế của INTOSAI rất đầy đủ, khoa học và có tính hội nhập cao. Hệ thống CMKT là văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc phải thực hiện đúng; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số nội dung khó thực hiện, chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, nên cần sửa đổi. Sau khi có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Vụ đã chủ động rà soát lập phương án sửa đổi, bổ sung hệ thống CMKT để báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo. Dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
 
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về danh mục hồ sơ kiểm toán, chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán, Vụ đã dự thảo Quy định sửa đổi phù hợp với dự thảo Hệ thống mẫu biểu hồ sơ. Tuy nhiên, phải chờ banh hành chính thức Hệ thống mẫu biểu hồ sơ thì sẽ trình chính thức Quy định về danh mục hồ sơ kiểm toán lưu.
 
Việc sửa Quy trình kiểm toán của KTNN là do Quy trình có trích dẫn nhiều nội dung CMKT; đồng thời do Hệ thống mẫu biểu hồ sơ có sự thay đổi nên cần sửa đổi, bổ sung. Vụ đã thành lập Tổ soạn thảo và đang dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung. Thời gian hoàn thành trình Lãnh đạo KTNN để xin ý kiến toàn Ngành dự kiến 10/08/2022.
 
Vụ cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung 06 văn bản quản lý: Quy định về tiêu chí, thanh điểm đánh giá về tiêu chuẩn xếp loại chất lượng Thành viên Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn kiểm toán nhà nước, đã ban hành theo Quyết định số 963/QĐ-KTNN ngày 15/7/2022; 05 Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong các lĩnh vực.
 
Ngoài ra, Vụ cũng tham gia các Tổ soạn thảo do các đơn vị khác chủ trì: Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Tổ biên tập quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động thanh tra, kiểm toán; Tổ soạn thảo Sửa đổi chuẩn mực kế toán của Bộ Tài chính.
 
Vụ Trưởng CĐ&KSCLKT Lê Đức Luận báo cáo
 
Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán hiện nay Vụ đang thực hiện theo Quy chế KSCLKT ban hành theo Quyết định số 1694/QĐ-KTNN ngày 27/01/2020. Năm 2022, Vụ cũng đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành công văn số 237/KTNN-CĐ ngày 14/3/2022 để chỉ đạo công tác KSCLKT năm 2022 với mục đích thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của KTNN năm 2022 “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng kiểm toán”.
 
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Vụ đã: Thẩm định kế hoạch kiểm toán của 161 cuộc kiểm toán; Giám sát hoạt động kiểm toán 167 cuộc, trong đó đã phát hành báo cáo giám sát, thẩm định, xét duyệt báo cáo 110 cuộc, 57 cuộc đang thực hiện giám sát.
 
Về kiểm soát trực tiếp, Vụ đã hoàn thành phát hành Báo cáo kiểm soát 7 cuộc; đang thực hiện 5 cuộc kiểm soát. Kiểm soát 2 cuộc Kiểm toán trưởng. Hoàn thành phát hành 1 Báo cáo Kiểm soát đột xuất và phát hành báo cáo 1 cuộc Kiểm soát hồ sơ kiểm toán sau khi phát hành báo cáo kiểm toán.
 
Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT cho rằng, hoạt động kiểm soát đã góp phần đảm bảo bằng chứng, căn cứ pháp lý của kiến nghị kiểm toán; đảm bảo sự thống nhất kiến nghị đối với cùng một vấn đề phát sinh ở nhiều nơi; kiến nghị kiểm toán phù hợp với phát hiện kiểm toán. Thông qua kiểm soát trực tiếp đã thay đổi kết quả xử lý tài chính của một số Đoàn kiểm toán.
 
Vụ CĐ&KSCLKT xác định nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022:

Hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công tác xây dựng các văn bản chế độ kiểm toán:Hệ thống CMKT, Quy trình kiểm toán, Quy định hệ thống hồ sơ tài liệu lưu trữ và 5 Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro trong các lĩnh vực kiểm toán để áp dụng một cách có hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, kiểm soát; trước hết là trình phát hành Hệ thống mẫu biểu hồ sơ.
 
Nâng cao hoạt động của các Tổ KSCLKT, đặc biệt tại các KTNN chuyên ngành, khu vực.
 
Tập trung triển khai các cuộc kiểm soát trực tiếp, kiểm soát Kiểm toán Trưởng và kiểm soát đột xuất khi cần thiết đối với các cuộc kiểm toán, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo KTNN xử lý các tình huống phát sinh tránh để xảy ra sai phạm.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Vụ CĐ&KSCLKT. Các ý kiến phát biểu nhất trí cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; Hệ thống CMKT KTNN là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm đảm bảo sự tuân thủ trong hoạt động, tránh rủi ro hệ thống, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung cần phải đảm bảo yêu cầu kiểm soát, quản lý và xây dựng được các quy định chế tài phù hợp.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho rằng, trong suốt quá trình phát triển của KTNN, việc đảm bảo phù hợp giữa yêu cầu quản lý, kiểm soát và việc triển khai nhiệm vụ kiểm toán luôn được đặt ra. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Ngành cần được triển khai căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tiễn của Ngành trong mỗi giai đoạn. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Vụ CĐ&KSCLKT, cùng với Vụ Pháp chế, Vụ Tổng hợp phối hợp chặt chẽ để thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau trong sửa đổi, bổ sung hệ thống hồ sơ mẫu biểu, CMKT, quy trình và quy chế liên quan.
 
Trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng cần có sự phân cấp phù hợp để đảm bảo hoạt động kiểm soát được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
 
Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn biểu dương công tác chuẩn bị báo cáo công phu, đầy đủ của Vụ CĐ&KSCLKT; đồng thời cho rằng hoàn thiện hệ thống hồ sơ mẫu biểu, CMKT, quy trình kiểm toán là rất quan trọng đối với hoạt động của Ngành trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Vụ CĐ&KSCLKT cần tập trung, phối hợp với các Vụ tham mưu liên quan để hoàn thành công việc.
 
Về việc sửa đổi, bổ sung hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách yêu cầu cần đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tiễn trong hoạt động kiểm toán; đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngành và tăng cường trách nhiệm của mỗi Kiểm toán viên trong quá trình hoạt động.

Việc sửa đổi, bổ sung hệ thống CMKT cần đảm bảo việc triển khai phù hợp với Việt Nam; giữ lại các quy định bắt buộc mang tính pháp lý; các quy định mang tính hướng dẫn xem xem xét ở dạng văn bản hướng dẫn.

Việc sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm toán cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân trong quá trình kiểm toán. Việc xây dựng các quy định chế tài cũng cần được xem xét phù hợp để gắn chặt với trách nhiệm của cá nhân và người đứng đầu./.
 
Ngọc Bích