Hội nghị giao ban tháng 8: Tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022

(sav.gov.vn) - Ngày 30/8/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, dưới dự chủ trì của Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn, KTNN tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8/2022.

Dự Hội nghị trực tiếp có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo các đơn vị của KTNN có trụ sở tại Hà Nội và các điểm cầu KTNN khu vực.

Báo cáo tại Hội nghị về kết quả thực hiện công tác tháng 7, tháng 8 và kế hoạch công tác tháng 9/2022, Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng cho biết: Trong tháng 7, 8/2022, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra: Các đơn vị triển khai hoạt động kiểm toán theo đúng kế hoạch; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đã làm việc với các đơn vị trực thuộc của KTNN; tổ chức thành công buổi họp báo công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 và Báo cáo kiểm toán chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; Ban cán sự Đảng KTNN đã cho ý kiến về việc xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 và KHKT trung hạn 2023-2025; tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp giữa KTNN và Ban công tác đại biểu trong hoạt động bồi dưỡng Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, KTNN đã xét duyệt 187 kế hoạch kiểm toán; triển khai 167 Đoàn kiểm toán; kết thúc 137 Đoàn kiểm toán, xét duyệt 197 Báo cáo kiểm toán và phát hành 157 Báo cáo kiểm toán.

Vụ Tổng hợp đã tham mưu Lãnh đạo KTNN: Chuyển 06 hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp tài liệu, báo cáo kiểm toán cho các Đoàn kiểm tra, Đoàn giám sát và Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 22 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vụ CĐ&KSCLKT đã phát hành 03 báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp; tiếp tục kiểm soát trực tiếp 05 cuộc kiểm toán và 02 cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với Kiểm toán trưởng; tiếp tục chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung: Hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán, chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán; Hệ thống Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán của KTNN và Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các lĩnh vực.
 

Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng báo cáo tại Hội nghị

Nổi bật trong tháng 7/2022, KTNN đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn. KTNN cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao chỉ tiêu biên chế cho KTNN giai đoạn 2022-2026.

Vụ Tổ chức cán bộ đã tham mưu, trình Lãnh đạo KTNN ký Quyết định ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của KTNN; hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2023. Ban soạn thảo ngân hàng câu hỏi đã xây dựng xong bộ ngân hàng câu hỏi phục vụ đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN với tổng số 1.650 câu trình Tổng Kiểm toán nhà nước.

Công tác xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. KTNN đã ban hành 14/42 văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý năm 2022 của KTNN. Vụ Pháp chế tiếp tục thực hiện vai trò là đầu mối, bám sát hoạt động xây dựng dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN theo kế hoạch.  

Công tác công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh. KTNN đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát dữ liệu cung cấp giữa 2 đơn vị (12 danh mục và 17 bộ báo cáo); xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp công tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thống nhất kế hoạch triển khai tích hợp kết nối các dữ liệu và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhận dữ liệu theo kế hoạch đã ký kết...

Các mặt công tác khác: Công tác văn phòng, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế, báo chí tuyên truyền... tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch.

Về định hướng nhiệm vụ công tác trong tháng 9/2022 và thời gian tới, Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng nêu 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đề nghị Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục quán triệt, chỉ đạo đơn vị mình thực hiện nghiêm các văn bản, Chỉ thị, Chương trình hành động thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và KTNN.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn Ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và trong hoạt động kiểm toán; tổ chức tập huấn chuyên sâu và phổ biến Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước của KTNN để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chứ KTNN trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

Các KTNN chuyên ngành, khu vực khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Lãnh đạo KTNN phát hành Báo cáo kiểm toán của các Đoàn kiểm toán đợt 2, triển khai kiểm toán các Đoàn kiểm toán đợt 3 theo kế hoạch; tích cực đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN. Đồng thời, yêu cầu các Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng lập BCKT, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán đảm bảo đúng pháp luật, đầy đủ bằng chứng.

Ngoài ra, Vụ Tổng hợp hoàn thiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025, đảm bảo thời gian, nhân lực thực hiện các nội dung kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội; chuẩn bị các tài liệu phục vụ phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục chủ trì tham gia thẩm tra, chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2023, đánh giá triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; tiếp tục theo dõi việc thực hiện kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị. Tham mưu cho Lãnh đạo KTNN dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử cho KTNN theo đúng quy định của Luật KTNN để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 

Các đơn vị có liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ “Kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi thực hiện chỉ định thầu” được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 249/TB-VPCP ngày 17/8/2022. KTNN chuyên ngành IV được giao chủ trì xây dựng hướng dẫn thực hiện kiểm toán các gói thầu trên.
 
Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đã bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung được báo cáo cũng như thể hiện tinh thần quyết tâm, chung sức, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch công tác toàn Ngành trong năm 2022, đặc biệt là công tác kiểm toán. Nhiều ý kiến tập trung trao đổi về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua cũng như những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Trên cơ sở nhận diện khó khăn, thách thức, đại diện Lãnh đạo các đơn vị đã xin ý kiến chỉ đạo và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, cũng như cam kết sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại Hội nghị, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng thống nhất cao với ý kiến phát biểu của các đơn vị trực thuộc và đưa ra một số ý kiến về nhiệm vụ trong thời gian tới, như: Việc sửa đổi hệ thống chuẩn mực kiểm toán, hồ sơ, mẫu biểu, quy trình kiểm toán; một số vấn đề liên quan đến xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2023; các giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch công tác năm 2022.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thành toàn bộ Kế hoạch công tác năm 2022. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu phục vụ các chương trình họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà trước mắt là hoàn thiện Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2022 của KTNN phục vụ kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách lưu ý, việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2023 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá theo hướng thu gọn nội dung, đầu mối kiểm toán, căn cứ như cầu thực tiễn, đảm bảo trong điều kiện nguồn lực khả thi của KTNN để nâng cao chất lượng kiểm toán. “Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chủ động trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán. Sắp xếp thời gian hợp lý, linh hoạt để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Ngành, đơn vị với mục tiêu ưu tiên là nâng cao chất lượng kiểm toán và tuân thủ đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên Nhà nước. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán và trong chính nội bộ KTNN”- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách yêu cầu Trung tâm Tin học làm tốt nhiệm vụ tham mưu Lãnh đạo KTNN trong việc ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số; các đơn vị chú trọng thực hiện, nhất là các đơn vị kiểm toán cần đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiểm toán một cách kịp thời, đồng bộ.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ tăng cường theo dõi, quản lý đối với công tác cán bộ, thực hiện số hóa hồ sơ công chức, người lao động KTNN các đơn vị tham mưu và KTNN chuyên ngành; tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng năm 2022 theo kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, chất lượng đảm bảo kỷ luật lớp học...

Lưu ý trong tháng 9/2022, KTNN sẽ có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng đó là đón Đoàn Chủ tịch KTNN Lào sang thăm và làm việc với KTNN Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách yêu cầu các đơn vị liên quan, đầu mối là Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện công tác chuẩn bị, đón tiếp chu đáo, trọng thị; chuẩn bị tổ chức Đoàn lãnh đạo KTNN tham dự hội thảo chung với KTNN Indonesia...

Bên cạnh đó, các đơn vị báo chí trong Ngành tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá về tổ chức, hoạt động và vai trò của KTNN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.

Phương Ngọc