Trình bày Báo cáo, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ của KTNN giai đoạn 2011-2015 có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Về thuận lợi, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, địa vị pháp lý của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN đã được sửa đổi, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; KTNN đã gia nhập các Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán; tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Về khó khăn, là ngành chuyên môn sâu song mới chỉ hoạt động trên 20 năm nên nhiều lĩnh vực, hoạt động chưa có kinh nghiệm, có việc vừa làm, vừa phải rút kinh nghiệm; trong năm năm, 03 lần thay đổi Tổng Kiểm toán nhà nước nên phần nào ảnh hưởng tới sự ổn định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các văn bản về tổ chức và hoạt động KTNN còn thiếu; cơ cấu và số lượng cán bộ có chuyên môn sâu về kế toán, kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện làm việc còn thiếu thốn; hệ thống kiểm soát nội bộ tại các đơn vị được kiểm toán chưa được hình thành đồng bộ; tính độc lập của cơ quan KTNN chưa theo kịp các thông lệ quốc tế; nhận thức của các cấp, các ngành về hoạt động kiểm toán có lúc, có nơi còn hạn chế nên phần nào chưa ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với KTNN...
Những kết quả đạt được
Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ qua, ngành KTNN đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo, thể hiện rõ ở các nội dung:
Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đến hệ thống chuẩn mực KTNN, các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp.
Năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố, kiện toàn cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng.
Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho hoạt động chuyên môn; hội nhập quốc tế được mở rộng.
Quy mô kiểm toán tăng một cách hợp lý, bình quân hàng năm thực hiện khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%; chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới; qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng), trong đó 03 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi NSNN tăng cao gần hai lần so với các năm trước (Năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 là 12.658 tỷ đồng). Đồng thời, 5 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.
Về công tác tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán, Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, trong nhiệm kỳ, KTNN tiếp tục tập trung bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN năm 2005 làm cơ sở cho hoạt động kiểm toán ngày càng hiệu lực, hiệu quả, từng bước tạo sự minh bạch, chính quy và chuyên nghiệp, gắn với cải cách hành chính. Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành hàng trăm quyết định, trong đó có 21 văn bản quy phạm pháp luật, 110 văn bản quản lý; chỉ đạo xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán bao gồm 40 chuẩn mực theo chuẩn quốc tế và nhiều quy trình, quy chế tổ chức, hoạt động kiểm toán nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng công tác trong toàn ngành.
Kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định về địa vị pháp lý của KTNN tại Điều 118; thông qua Luật KTNN năm 2015 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN. Hiện nay, KTNN đang tập trung triển khai Luật KTNN năm 2015 với khoảng 30 văn bản dự kiến ban hành trong giai đoạn 2015-2017. Bên cạnh đó, KTNN cũng đã tích cực tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội.
Nhấn mạnh về công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động kiểm toán đã từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp và có nhiều tiến bộ, ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao, cụ thể:
Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán đã có nhiều tiến bộ, đồng bộ, tập trung thống nhất trong toàn ngành; quy mô kiểm toán ngân sách các bộ, ngành và địa phương được mở rộng phù hợp với năng lực của KTNN, đáp ứng ngày càng tốt hơn về chất lượng kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược phát triển KTNN. Kế hoạch kiểm toán hàng năm khi ban hành đều đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách tài chính-tiền tệ liên quan đến niên độ được kiểm toán và những vấn đề đang được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội, cử tri quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, KTNN đã tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc TW nhằm phục vụ tốt hơn việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương.
Nhiều biện pháp đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành đã được áp dụng đồng bộ trong tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, KTNN đã ký quy chế phối hợp và thoả thuận hợp tác với 14 Bộ, cơ quan TW và 59 tỉnh, thành phố trực thuộc TW, qua đó, đã giúp cho việc phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan tới hoạt động kiểm toán ngày càng chặt chẽ hơn.
Chất lượng kiểm toán từng bước được nâng cao, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch quản lý tài chính, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ, KTNN đã giúp các đơn vị được kiểm toán từng bước khắc phục việc lập, giao dự toán ngân sách hàng năm chưa sát thực tế, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công. Việc phát hiện xử lý tài chính và kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách thông qua hoạt động KTNN đã góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. KTNN đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chủ động chuyển 09 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Việc công khai kết quả kiểm toán hàng năm đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán được gửi đến đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan như Ban Nội chính TW, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính...; Báo cáo kiểm toán năm, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN được gửi đến từng Đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, đối với những kết quả kiểm toán quan trọng, KTNN đều thông báo trực tiếp bằng văn bản đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; thời gian phát hành các báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ngày càng được đẩy nhanh nhằm kịp thời phục vụ việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên, Báo cáo cho biết, đến nay, KTNN có 31 đơn vị trực thuộc và Văn phòng Đảng-Đoàn thể. Nhìn chung, hệ thống tổ chức của KTNN hiện nay theo mô hình tập trung tương đối gọn nhẹ, phát huy được tác dụng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nước ta và phù hợp với thông lệ quốc tế; các đơn vị được thành lập mới, chia tách đã ổn định tổ chức, đi vào hoạt động và cơ bản đáp ứng được yêu cầu, góp phần tăng cường năng lực và giúp cho KTNN hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Trong nhiệm kỳ, hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN đã được mở rộng và tăng cường về chiều sâu. KTNN đã ký kết thêm 11 thỏa thuận hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, nâng tổng số thỏa thuận đã ký kết đến nay là 21 thỏa thuận; chủ động hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của các Tổ chức quốc tế cơ quan kiểm toán tối cao. Ghi nhận những đóng góp đó, Tổ chức cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) đã lựa chọn KTNN Việt Nam là cơ quan tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018 và là Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các dự án giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ cho KTNN trên 135 tỷ đồng và nhiều chuyên gia quốc tế để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, nhất là trong việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán mới.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTCNS đánh giá báo cáo về công tác của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về kết quả hoạt động của KTNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chức năng, nhiệm vụ của KTNN đã được quy định tại Luật KTNN.
Cũng đồng tình với đánh giá của KTNN, báo cáo thẩm tra chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của KTNN còn một số hạn chế, bất cập. Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm đã có nhiều tiến bộ song việc đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán chuyển biến chưa mạnh; Quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã đề ra. Kiểm toán hoạt động đã được tăng cường nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng…
Phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới
Trình bày về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, toàn ngành KTNN xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế” với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
Mở rộng quy mô và đối tượng kiểm toán theo Luật KTNN 2015, tập trung kiểm toán thường niên đối với lĩnh vực NSNN nhằm phục vụ thiết thực việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Quốc hội, HĐND các cấp; tăng cường kiểm toán hoạt động, đi sâu vào kiểm toán các chuyên đề quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; tăng cường phối hợp và nâng cao trình độ để tham gia ý kiến với Ủy ban Tài chính-Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ về dự toán NSNN; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc trao đổi thông tin, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN 2015; hoàn thành và ban hành hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, gắn với cải cách hành chính trong hoạt động kiểm toán.
Tăng cường năng lực của cơ quan KTNN trên cơ sở tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực theo mô hình quản lý tập trung thống nhất, đảm bảo đồng bộ, có đủ cơ cấu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, cập nhật kiến thức, chính sách chế độ mới nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, kiểm toán viên; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm, ý thức, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong toàn ngành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Mở rộng hợp tác quốc tế về KTNN cả trên diện rộng lẫn chiều sâu, trong đó tập trung đẩy mạnh việc trao đổi, học tập kinh nghiệm kiểm toán, thực hiện kiểm toán chung với cơ quan kiểm toán các nước; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực hoạt động; nâng cao vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI 2015-2018, Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 và thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội ASOSAI năm 2018...
Nhằm tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ 02 vấn đề.
Theo đó, để đảm bảo tính độc lập của KTNN với chức năng là cơ quan kiểm toán từ bên ngoài (ngoại kiểm), là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và theo thông lệ quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao, trên cơ sở Kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến định hướng, KTNN xây dựng và ban hành, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
KTNN cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao năng lực của cơ quan KTNN; quan tâm việc bổ sung biên chế cho KTNN phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 để KTNN đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo Luật KTNN sửa đổi, đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ thông tin, chính sách đãi ngộ ổn định đối với cán bộ ngành KTNN để KTNN đủ điều kiện nâng cao chất lượng kiểm toán, tạo điều kiện cho cán bộ an tâm công tác và thu hút được người có năng lực, trình độ vào ngành KTNN./.
Ngọc Bích