Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và tiến độ thực hiện Dự án theo kế hoạch, ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày báo cáo về kết quả chuẩn bị Hồ sơ gửi theo yêu cầu, các ý kiến tiếp thu giải trình. Về nội dung, Dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội là Dự thảo 8. Về kết cấu, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) được xây dựng như sau: Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 81 điều (so với Luật hiện hành, Dự thảo tăng 1 chương, 05 điều): Chương I - Những quy định chung, gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10); Chương II - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của KTNN, gồm 6 điều (từ Điều 11 đến Điều 16); Chương III - Địa vị pháp lý, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, gồm 14 điều (từ Điều 17 đến Điều 30); Chương IV- Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên kiểm toán, gồm 6 điều (từ Điều 31 đến Điều 36); Chương V- Hoạt động kiểm toán, gồm 31 điều (từ Điều 37 đến Điều 67); Chương VI - Quyền, nghĩa vụ đơn vị được kiểm toán, gồm 4 điều (từ Điều 68 đến Điều 71); Chương VII - Đảm bảo hoạt động của KTNN, gồm 5 điều (từ Điều 72 đến Điều 76); Chương VIII - Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 77 đến Điều 79); Chương IX - Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 80 và Điều 81).
Phát biểu kết luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã lưu ý một số vấn đề cần tập trung giải trình, như: về đối tượng kiểm toán của KTNN “tài chính, tài sản công” theo Hiến pháp; việc kiểm toán thuế (trong đó chú ý kiểm toán thuế thu nhập cá nhân); việc giám sát hoạt động kiểm toán nhà nước và ý kiến về thay thế “kiến nghị kiểm toán” bằng “quyết định”.
Theo kế hoạch phiên họp thứ 30 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) diễn ra vào chiều thứ sáu, ngày 15/8/2014./.