Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm toán nhiều vấn đề nóng

12/11/2020
Xem cỡ chữ Google

Quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020 lại được một số vị đại biểu đề nghị đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2021.

Có ý kiến đại biểu đề nghị kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020

Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2021 vừa được Tổng thư ký Quốc hội tập hợp.

Từng rất nóng từ thảo luận đến chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020 lại được một số vị đại biểu đề nghị đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2021.

Trước thềm kỳ họp, gửi dự kiến kế hoạch này đến Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 toàn ngành tập trung kiểm toán 169 cuộc, tăng 11 cuộc so với kế hoạch kiểm toán năm 2020 đã ban hành.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 32 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Như, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 14 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 6 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.

Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước. Tính đến ngày 6/11/2020, đã có 266 đại biểu Quốc hội gửi lại ý kiến. Có 238 ý kiến tán thành với dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2021 của KTNN và một số vị nêu góp ý thêm.

Cụ thể, có ý kiến đề nghị năm 2021 là năm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nên cần kiểm toán có trọng tâm; giảm kiểm toán ngân sách địa phương tại một số tỉnh, thành; cân đối tránh trường hợp có địa phương nhiều đoàn kiểm toán, có địa phương lại có ít hoặc không có đoàn kiểm toán; tập trung kiểm toán một số bộ, ngành và địa phương có thu, chi ngân sách lớn; lồng ghép kiểm toán ngân sách và kiểm toán chuyên đề.

Về đối tượng kiểm toán, có ý kiến cho rằng cần bổ sung kiểm toán NSNN trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và tại Bộ Giáo dục Đào tạo; kiểm toán Tòa án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân, hệ thống trại giam và trại tạm giam; kiểm toán Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.

Trong kiểm toán hoạt động, có đại biểu đề nghị cần kiểm toán về xây dựng dự toán NSNN hàng năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia từ đầu giai đoạn 2021-2025 để đánh giá các tiêu chí đầu vào và đánh giá kết quả thực hiện đầu ra cuối giai đoạn.

Với kiếm toán chuyên đề,  ý kiến đại biểu là cân nhắc, bổ sung kiểm toán việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu còn đề nghị kiểm toán việc mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện lớn; kiểm toán chuyên đề hoạt động kinh doanh, liên doanh trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên toàn quốc; kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020.

Một số chuyên đề khác cũng được đại biểu đề nghị như kiểm toán nguồn thu bán đất tại các thành phố lớn, chất lượng và hiệu quả đầu tư công đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông, thủy lợi bằng nguồn vốn ngân sách, việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, tình trạng dự án treo, sử dụng không đúng mục đích tại các địa phương.

Có ý kiến đề nghị kiểm toán chuyên đề về một số chủ trương thay đổi địa giới hành chính, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; kiểm toán quản lý sử dụng đất các khu kinh tế, khu công nghiệp; kiểm toán quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Về dự kiến kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng, tài sản nhà nước năm 2017, có ý kiến đề nghị không kiểm toán Ngân hàng BIDV vì thanh tra Chính phủ đã bố trí trong kế hoạch thanh tra. Tập trung kiểm toán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Công thương.

Tại phiếu xin ý kiến, đại biểu cũng đề nghị cần xác định tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, có giải pháp để giải quyết tồn đọng trong việc thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán. KTNN cần có giải pháp khắc phục phản ánh của dư luận về tình trạng nhũng nhiễu trong hoạt động của các đoàn kiểm toán, khắc phục tình trạng các kết luận, kiến nghị kiểm toán không rõ ràng, khó hiểu./.

Xem thêm »