(sav.gov.vn) – Sáng 23/4/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với Vụ Pháp chế.
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh làm việc với KTNN Vụ Pháp chế
Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; lãnh đạo chủ chốt của Vụ Pháp chế; đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu của KTNN.
Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải đã báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ công chức và tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của đơn vị.
Theo báo cáo, tới thời điểm hiện tại, Vụ Pháp chế có 04 phòng chuyên môn: Phòng Tổng hợp; Phòng Thẩm định 1; Phòng Thẩm định 2; Phòng Pháp luật với tổng số cán bộ, công chức 29 người gồm 01 Kiểm toán viên cao cấp; 01 Chuyên viên cao cấp; 13 Kiểm toán viên chính; 10 Kiểm toán viên; 01 Chuyên viên chính; 02 chuyên viên, 01 cán sự, trong đó có 02 tiến sĩ, 16 thạc sĩ và 11 trình độ đại học.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, sau khi có ý kiến của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, Vụ Pháp chế đã nghiên cứu, tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch soạn thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.
Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý năm 2021 của KTNN, KTNN dự kiến ban hành 28 văn bản gồm 05 văn bản quy phạm pháp luật và 23 văn bản quản lý. Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị chủ trì tham mưu, đề xuất các Tổ soạn thảo trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành; đôn đốc các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo lập kế hoạch xây dựng văn bản và báo cáo tiến độ cụ thể theo Kế hoạch được giao. Đến nay, có 05 văn bản đã ký ban hành; 01 văn bản đã thẩm định xong; 23 văn bản các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo đang xây dựng dự thảo theo tiến độ.
Đầu năm 2021, Vụ Pháp chế đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 theo kế hoạch tuyên truyền năm 2020 cho toàn thể công chức, người lao động của các đơn vị KTNN chuyên ngành. Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2021 của KTNN tập trung tiếp tục tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; các văn bản do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành năm 2020 và năm 2021.
Tính tới cuối tháng 4/2021, Vụ đã thực hiện thẩm định và tham gia ý kiến vào 29 lượt dự thảo văn bản của các đơn vị trong và ngoài Ngành gửi lấy ý kiến đảm bảo chất lượng, tiến độ; thẩm định 17 dự thảo Báo cáo kiểm toán và 73 dự thảo Kế hoạch kiểm toán và tham mưu, phối hợp trả lời 19 kiến nghị kiểm toán đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, Vụ đã rà soát việc tiếp thu ý kiến thẩm định 04 Dự thảo BCKT sau khi họp xét duyệt …
Về một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới, Vụ sẽ tập trung vào các nội dung: Tiếp tục xây dựng, dự kiến trình UBTV Quốc hội Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN vào cuối năm 2021, có thể ban hành và áp dụng vào năm 2022; Đến năm 2025, tổng kết thi hành Luật KTNN năm 2015 (thực hiện được 10 năm) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (đã thực hiện được 5 năm), đề xuất Ban cán sự Đảng, Tổng KTNN các vấn đề vướng mắc, bất cập của Luật KTNN để xem xét sửa đổi (việc sửa đổi được xem xét vào giai đoạn 2026-2030); Tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản do KTNN ban hành phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của hệ thống pháp luật về KTNN, trong đó tổng kết đánh giá việc áp dụng hệ thống Chuẩn mực KTNN vào hoạt động KTNN và đề xuất sửa đổi phù hợp với hệ thống CMKT của Intosai và thực tiễn KTNN Việt Nam; Tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia quá trình xây dựng các Luật có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN và đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc đại diện lãnh đạo các phòng của đơn vị đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động của đơn vị. Các ý kiến cũng tập trung nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu nhân lực cho một số công tác như thẩm định dự thảo Kế hoạch kiểm toán; nhiệm vụ tham mưu trong công tác khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; nhiệm vụ tham mưu về xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động KTNN.
Tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị tham mưu đánh giá cao những kết quả đã đạt được và sự phối hợp của Vụ Pháp chế với các đơn vị trong Ngành trong triển khai các nhiệm vụ; đồng thời đồng tình cần bổ sung đủ công chức có kinh nghiệm để Vụ Pháp chế hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới của Vụ Pháp chế, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nên chú trọng vào các nội dung: Xây dựng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN; Rà soát và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ngành; Rà soát những nội dung chưa triển khai được theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2019. Vụ Pháp chế cũng cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ pháp luật cho đội ngũ Kiểm toán viên. Công tác thẩm định nên tập trung thẩm định khía cạnh pháp lý của các kế hoạch, báo cáo kiểm toán.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Vụ Pháp chế trong thời gian qua. “Pháp chế có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo hoạt động của KTNN, đặc biệt trong việc phòng ngừa, xử lý rủi ro về pháp lý cho hoạt động của Ngành” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng bày tỏ sự đồng tình với các đánh giá và dự kiến các công tác triển khai trong năm 2021 của Vụ Pháp chế. Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp thu các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị trong Ngành, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của Ngành KTNN. /.
Ngọc Bích