Tham dự buổi làm việc Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ; Lãnh đạo: Văn phòng KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ CĐ&KSCLKT và Văn phòng Đảng và Đoàn thể; Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của KTNN CNVI.
Báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN CNVI Trần Văn Hảo cho biết, tại Quyết định 1376/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN CN VI có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; các Doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập; các Doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là đại diện chủ sở hữu (trừ các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính – kế toán – kiểm toán.)
Đến thời điểm báo cáo, KTNN CNVI có 90 cán bộ, công chức, người lao động, gồm: 02 Kiểm toán viên (KTV) cao cấp; 30 KTV chính; 55 KTV; 02 Chuyên viên và 01 cán sự.
Kiểm toán trưởng KTNN CNVI Trần Văn Hảo phát biểu
Theo Kiểm toán trưởng KTNN CN VI, năm 2022, KTNN CNVI được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện 09 cuộc kiểm toán, trong đó có 01 cuộc kiểm toán chuyên đề. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã hoàn thành việc kiểm toán và phát hành Báo cáo kiểm toán của 04/9 cuộc kiểm toán. Theo các Báo cáo kiểm toán đã phát hành đến nay, các Đoàn kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thu NSNN 341 tỷ đồng, có 18 kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản, chính sách, cơ chế điều hành gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Kết quả kiểm toán tại Tổng Công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) thí điểm theo phương thức kiểm toán từ xa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Về công tác khảo sát, lập Kế hoạch kiểm toán trung hạn, Kế hoạch kiểm toán năm, KTNN CNVI tiếp tục hoàn thiện, áp dụng bộ đề cương thu thập thông tin phục vụ cho công tác lập kế hoạch kiểm toán năm, lựa chọn đầu mối và đơn vị được kiểm toán để tạo tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện; duy trì quy chế phối hợp trong công tác kiểm toán giữa các phòng, giao việc theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên các Tập đoàn, Tổng công ty cho từng phòng nghiệp vụ phụ trách để kịp thời cung cấp thông tin cho công tác lập kế hoạch kiểm toán năm cũng như các yêu cầu đột xuất khác. Nhờ đó, công tác xây dựng KHKT năm được thực hiện theo đúng định hướng xây dựng KHKT hàng năm của KTNN và phù hợp với hướng dẫn tại Quyết định số 03/2017/QĐ-KTNN ngày 21/3/2017 của KTNN về ban hành Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước, chất lượng của KHKT năm từng bước được nâng lên.
Đơn vị luôn xác định, việc khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán tổng quát là giai đoạn quan trọng có tác động lớn đến chất lượng của cuộc kiểm toán. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, KTNN CNVI đã triển khai nghiêm túc, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán; tập trung nguồn nhân sự có kinh nghiệm, có chuyên môn và năng lực phân tích, tổng hợp để thực hiện công tác khảo sát; tăng cường thu thập thông tin về kế hoạch thanh kiểm tra của các cơ quan ban ngành khác tại đơn vị để tránh tình trùng lắp, chồng chéo; yêu cầu việc thu thập thông tin luôn chú trọng các nội dung tiềm ẩn rủi ro lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hạn chế việc trực tiếp khảo sát tại đơn vị được kiểm toán, tăng cường tiến hành thu thập thông tin bằng ứng dụng công nghệ thông tin...
Trong công tác tổ chức thực hiện kiểm toán, đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các quy định của Ngành, chú trọng đến việc: Tuân thủ đầy đủ quy định của Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước; Nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm toán, tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao; Thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm; Quản lý chặt chẽ Tổ kiểm toán, KTV, gắn trách nhiệm của Tổ trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán và Kiểm toán trưởng với việc giáo dục, quản lý đạo đức nghề nghiệp của KTV.
KTNN chuyên ngành VI đã tổ chức xây dựng Kế hoạch kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong năm 2022 theo quy định và được Lãnh đạo KTNN phê duyệt. Trên tổng số 8 cuộc kiểm toán năm 2021, đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra kiến nghị 08 Đoàn kiểm toán và đã phát hành 08 Báo cáo kiểm tra kiến nghị kiểm toán. Kết quả kiểm tra, theo dõi, rà soát cho thấy đến thời điểm báo cáo, các đơn vị đã thực hiện xử lý tài chính 3.031 tỷ đồng (đạt 99,94%) trên tổng số kiến nghị xử lý tài chính đủ bằng chứng của 8 cuộc kiểm toán năm 2021.
KTNN CN VII đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm 2022 gồm:
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động trong hoạt động điều hành, phấn đầu hoàn thành toàn diện, có chất lượng, đúng tiến độ các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2022; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng những nội dung liên quan trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động: Kiểm toán, điều hành của đơn vị, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm việc thí điểm kiểm toán từ xa tại VNPT làm tiền đề xem xét triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, áp dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động kiểm toán.
Tiếp tục theo dõi, đôn đốc kịp thời việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa hoàn thành thực hiện của các đơn vị đã được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Xử lý kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại và những vướng mắc của đơn vị được kiểm toán trong và sau khi đã phát hành hành báo cáo kiểm toán... không để xảy ra tình trạng dây dưa, kéo dài.
Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; duy trì việc phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các kế hoạch công tác năm 2022 của Ngành như: Xây dựng và phổ biến pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức; kiểm soát chất lượng kiểm toán; thanh tra; nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin; tham mưu, giúp việc Lãnh đạo KTNN có ý kiến với Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành về các đề án, phương án sắp xếp, tái cơ cấu, xử lý tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo các đơn vị tham mưu đã trao đổi, giải đáp những kiến nghị của KTNN CN VI liên quan đến công tác phối hợp với các đơn vị trong các hoạt động: Thẩm định, xét duyệt KHKT, Báo cáo kiểm toán và Báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán; cung cấp số liệu, báo cáo tình hình phục vụ tổng hợp kết quả kiểm toán việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ngành; tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý; công tác tổ chức, cán bộ...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đồng tình với các khó khăn trong hoạt động của đơn vị đã nêu trong báo cáo như: Đối tượng kiểm toán là các Tập đoàn/Tổng công ty đây là những đơn vị có nhiều chi nhánh/công ty con trải dài trên địa bàn cả nước, các quy định liên quan đến hoạt động của các đơn vị này cũng đa dạng và luôn thay đổi; Thiết bị, vật tư, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ hoạt động một số doanh nghiệp có tính kỹ thuật chuyên môn cao, đòi hỏi KTV phải có chuyên môn sâu về kỹ thuật chuyên ngành; Thời gian phát hành báo cáo kiểm toán với một số cuộc kiểm toán có quy mô lớn đảm bảo theo quy định là khá khó...
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, trong thời gian tới đơn vị cần đánh giá quy mô, nội dung các cuộc kiểm toán đảm bảo thời gian triển khai kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy định. Phương thức kiểm toán cũng cần thay đổi phù hợp với tính chất của từng cuộc kiểm toán. Đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm tin học để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về cuộc kiểm toán từ xa tại VNPT để làm cơ sở xem xét triển khai trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn đánh giá cao các kết quả hoạt động của KTNN CN VI trong thời gian qua, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh hoạt động các doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, công tác kiểm toán cần phải cẩn trọng, tỷ mỉ hơn nữa. Các KTV cần không ngừng trau đồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ. Các kiến nghị kiểm toán cần chú trọng tính khả thi trong triển khai. “Đơn vị cần có tổng kết, đánh giá toàn diện về cuộc kiểm toán từ xa tại VNPT để làm cơ sở triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Cần tập trung vào các khía cạnh: Cơ sở pháp lý; Môi trường kỹ thuật và các nghiệp vụ cần thiết” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách nhấn mạnh./.
Ngọc Bích