Cơ quan Tổng Kiểm toán Canada: Chính phủ thiếu tích cực trong hạn chế phát thải khí nhà kính

28/10/2014
Xem cỡ chữ Google

Ngày 7/10, Cơ quan Tổng Kiểm toán Canada (OAG) đã công bố kết quả cuộc kiểm toán về môi trường trên quy mô toàn quốc, trong đó bao gồm hợp phần chính là kiểm toán nồng độ phát thải khí nhà kính. Theo đó, Chính phủ Liên bang Canada đã không có các kế hoạch cụ thể và biện pháp tích cực nhằm thực thi các cam kết về hạn chế phát thải khí nhà kính như đã tuyên bố.


Từ 16 năm qua, OAG đã thực hiện đánh giá các mặt trong công tác quản lý biến đổi khí hậu của Chính phủ Liên bang mà gần đây nhất là vào năm 2012. Cuộc kiểm toán vừa công bố được thực hiện sau bản Báo cáo năm 2012 của Ủy ban Môi trường và Phát triển bền vững (đơn vị thuộc OAG) về Hợp phần 2 - Hoàn thành các cam kết của Canada về biến đổi khí hậu đến năm 2020. OAG tiến hành các cuộc kiểm toán độc lập đối với các hoạt động của Chính phủ liên bang liên quan tới công tác giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời cung cấp thông tin, khuyến nghị và đảm bảo hỗ trợ Quốc hội trong việc đánh giá công tác quản lý các nguồn lực và chương trình của Chính phủ.
 
Cuộc kiểm toán đã tiến hành xem xét, đánh giá việc thực thi các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu của Canada giai đoạn từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2014. Theo đó, các hoạt động của 3 cơ quan liên bang là Bộ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Bộ Giao thông được tập trung xem xét với 3 mục tiêu: Thứ nhất, Bộ Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành khác có đạt được tiến bộ trong việc giải quyết bốn vấn đề chính trong cuộc kiểm toán năm 2012 hay không? Thứ hai, Bộ Môi trường có sử dụng các phương pháp phù hợp để ước tính và báo cáo về hàm lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai của Canada hay không? Thứ ba, Bộ Môi trường có theo dõi, đánh giá và báo cáo về tài chính cấp theo “Sáng kiến cấp tài chính nhanh” của Canada và những kết quả đạt được, bao gồm việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.  
 
Theo Hiệp ước Copenhagen 2009, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper đã cam kết cắt giảm 17% nồng độ phát thải khí nhà kính so với mức phát thải 2005 vào năm 2020 trên toàn bộ nền kinh tế Canada. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Canada sẽ không thể hoàn thành mục tiêu này, với các biện pháp hiện nay mức cắt giảm sẽ chỉ dừng lại ở con số 7%.
 
Cũng theo Hiệp ước, Chính phủ đảm bảo sẽ cung cấp 1,2 tỷ đô la Canada trong vòng 3 năm (2010-2012) để trợ giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thông qua “Sáng kiến cấp tài chính nhanh”. Đây là cam kết mới nhất trong một loạt các cam kết quốc tế khác của Canada trong việc giảm thiểu hàm lượng phát thải khí nhà kính; Chính phủ Liên bang đã đề cập đến cam kết này nhiều lần, ngay cả trong Chiến lược Phát triển bền vững.
 
Kết quả kiểm toán cho thấy, các cơ quan liên quan đã không đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề như áp dụng các biện pháp kịp thời nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phối hợp với các vùng và lãnh thổ, và xây dựng các kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Hiệp ước Copenhagen vào năm 2020. Báo cáo cũng chỉ ra, hiện chưa có mục tiêu cụ thể nào được đề ra cho Liên bang về việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính sau năm 2020. Đây là vấn đề sẽ khiến nhiều quốc gia phát triển e ngại, trong bối cảnh việc lên kế hoạch dài hạn cho ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra tại châu Âu và châu Mỹ.
 
Cam kết của Canada trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã được đưa ra bàn thảo nhiều hơn từ sau khi OAG cho biết không nhận thấy một chiến lược nghiêm túc nhằm hạn chế nồng độ phát thải carbon.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của OAG, thời gian qua Chính phủ Canada cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác quản lý đối với biến đổi khí hậu. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông vận tải - một trong những nguồn phát thải khí carbon lớn nhất. Trung bình, một chiếc xe lưu thông trên đường phố Canada có thể sản sinh khoảng 5,6 tấn khí nhà kính mỗi năm. Năm 2012, Canada sản sinh khoảng 699 triệu tấn hàm lượng phát thải khí nhà kính (muốn giảm một triệu tấn phát thải khí nhà kính thì phải giảm bớt 180.000 xe lưu thông). Trong những năm gần đây, Canada đã đạt được những tiến bộ nhất định trong các quy định về giao thông vận tải, trong đó bao gồm các quy định về xe hạng nặng, có hiệu lực từ đầu năm 2014.  
 
Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Canada cũng đã có những hành động tích cực trong việc cung cấp các dự báo, báo cáo, và những thông tin thường xuyên cho người dân Canada về việc sử dụng năng lượng và hàm lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời áp dụng được những phương pháp phù hợp để ước tính và báo cáo hàm lượng phát thải trong tương lai.

Nằm trong cơ cấu của OAG, nhiệm vụ của Ủy ban Môi trường và Phát triển bền vững là cung cấp cho các nghị sĩ những đánh giá độc lập, khách quan và những kiến nghị cho Chính phủ Liên bang trong nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, trong bản báo cáo chính thức mới được công bố, người đứng đầu Ủy ban - bà Julie Gelfand, nhận định: Chính phủ Canada đã không có các kế hoạch cụ thể và biện pháp nghiêm túc nhằm thực thi cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính như đã tuyên bố; những minh chứng cho việc bỏ lỡ mục tiêu phát thải khí nhà kính đến năm 2020 đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn./.

Theo Báo Kiểm toán số 43/2014


Xem thêm »