Ở Canađa, cơ quan lập pháp có trách nhiệm kiểm tra và giám sát các hoạt động của Chính phủ và Chính phủ có trách nhiệm giải trình đối với các khoản ngân sách công.
Ở Canađa, cơ quan lập pháp có trách nhiệm kiểm tra và giám sát các hoạt động của Chính phủ và Chính phủ có trách nhiệm giải trình đối với các khoản ngân sách công.
Uỷ ban Kiểm toán Quốc hội đóng vai trò chủ đạo đối với việc đảm bảo sự minh bạch các khoản ngân sách công. Để thực hiện được vai trò này, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin khách quan, các ý kiến tư vấn phục vụ quá trình kiểm tra và giám sát của cơ quan lập pháp về các khoản chi tiêu và hoạt động của Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội thường xuyên được tiếp nhận các thông tin mang tính độc lập của cơ quan KTNN. Vì vậy, họ có thể đặt các câu hỏi chất vấn về những vấn đề liên quan đến các hoạt động của Chính phủ.
Cơ quan Tổng Kiểm toán Canađa chịu trách nhiệm kiểm toán các hoạt động của Chính phủ cấp trung ương và cấp địa phương theo 3 loại hình chính: Kiểm toán báo cáo tài chính, Kiểm toán đặc biệt và Kiểm toán hoạt động.
Đối với Kiểm toán báo cáo tài chính
Liệu Chính phủ có chi tiêu đúng các chế độ quy định và các số liệu kế toán nêu trong báo cáo có đúng đắn hay không? Đó chính là câu hỏi cần lời giải đáp của loại hình Kiểm toán báo cáo tài chính
Hàng năm, Chính phủ Canađa phát hành cuốn "Báo cáo tài chính công của Canađa " (Public Accounts of Canada ); trong đó, tổng hợp toàn bộ các báo cáo tài chính theo niên độ của Chính phủ. Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra ý kiến xem xét các báo cáo tài chính có tuân thủ các quy định về báo cáo tài chính của Chính phủ hay không? Hầu hết các tổng công ty và các tổ chức của liên bang đều phải chịu sự kiểm toán định kỳ của Kiểm toán Nhà nước.
Trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán viên kiểm tra tính rõ ràng, minh bạch trong các giao dịch tài chính; so sánh kết quả hoạt động với kết quả dự kiến, đánh giá độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm tra các khoản giao dịch khác. Để thực hiện việc này, kiểm toán viên có thể tiến hành các cuộc trao đổi, thảo luận với Ban quản lý hoặc Ban giám đốc.
Đối với Kiểm toán đặc biệt
Hoạt động kiểm toán đặc biệt thường được tiến hành tại các tổng công ty lớn và là một dạng của kiểm toán hoạt động được quy định tại các bộ luật liên quan. Kiểm toán Nhà nước đưa ra ý kiến tư vấn về cách thức quản lý của doanh nghiệp.
Theo Luật Quản lý công, các tổng công ty thuộc liên bang là đối tượng kiểm toán đặc biệt. Kiểm toán Nhà nước kiểm tra hầu hết các tổng công ty lớn để xem xét và đánh giá độ an toàn của nguồn tài sản, tính kinh tế và hiệu quả của các nguồn lực được sử dụng trong hệ thống doanh nghiệp. Cơ quan KTNN chịu trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán đến Ban giám đốc của doanh nghiệp hoặc trường hợp ngoại lệ, KTNN có thể gửi báo cáo kiểm toán lên Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực doanh nghiệp và Quốc hội.
Luật Ngân sách năm 2004 của Canađa quy định rằng, Chính phủ yêu cầu các tổng công ty lớn phải trình báo cáo kiểm toán đặc biệt lên Quốc hội và đăng tải lên trang Web.
Đối với Kiểm toán hoạt động
Mục tiêu cuối cùng của Kiểm toán hoạt động là phải trả lời được 3 câu hỏi chủ yếu, đó là: Các chương trình dự án có đảm bảo tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả và các tác động môi trường hay không. Đánh giá các chế độ, chính sách hiện hành của Chính phủ có phù hợp với thực tiễn hay không. Đồng thời, kiểm tra cách thức quản lý và hệ thống báo cáo của Chính phủ có đảm bảo đúng quy định hay không. Cơ quan KTNN chịu trách nhiệm báo cáo các kết quả kiểm toán, bao gồm việc đánh giá tính tuân thủ và đưa ra các kiến nghị để kịp thời khắc phục theo hướng tốt hơn.
Luật KTNN quy định, cơ quan KTNN cần cân nhắc thận trọng khi xác định lĩnh vực nào để tiến hành kiểm toán hoạt động. Chẳng hạn như: kiểm toán các hoạt động và các chương trình quy mô nhỏ, đơn giản của Chính phủ, lĩnh vực mà có một số cơ quan, bộ ngành khác nhau cùng chịu trách nhiệm, hoặc một vấn đề nào đó ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Trong thực tế, việc chọn chủ đề cho kiểm toán hoạt động rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi trình độ đánh giá nghề nghiệp một cách vững vàng và chất lượng kiến thức về Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ. KTNN Canađa coi trọng việc lập kế hoạch kiểm toán từ vài năm trước đó thông qua việc phân tích rủi ro, xác định các lĩnh vực quan trọng nhất có liên quan đến Quốc hội. Các lĩnh vực có rủi ro cao thường liên quan đến sức khoẻ và sự an toàn của người dân Canađa . Cơ quan KTNN Canađa thường chọn chủ đề quan trọng như: nâng cao năng lực quản lý của Chính phủ hoặc các vấn đề gây sự chú ý của các đại biểu và người dân Canađa . KTNN Canađa đặc biệt chú ý đến các yêu cầu kiểm toán của các Uỷ ban của Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước là người quyết định cuối cùng.
KTNN Canađa thường tiến hành kiểm toán hoạt động theo 3 bước dựa trên cơ sở các chuẩn mực, phương pháp nghề nghiệp và thời gian tối đa là 18 tháng. Cụ thể là:
- Bước lập kế hoạch: Đoàn kiểm toán tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán trong một bức tranh tổng thể, bao gồm: cơ sở pháp lý, cơ chế hoạt động, cách thức và giải pháp hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và các khó khăn khác.
- Bước thực hiện kiểm toán: Các cuộc kiểm toán hoạt động thường tập trung vào việc quản lý các rủi ro trọng yếu như thế nào, kiểm toán viên cần lưu tâm khi xác định các lĩnh vực sẽ tiến hành kiểm toán; xây dựng các tiêu chí có thể được đánh giá;... Đoàn kiểm toán thu thập các bằng chứng giúp cho việc lập báo cáo về mặt mạnh và mặt yếu của đơn vị hoặc chương trình được kiểm toán. Bằng chứng thu thập được bao gồm: các cuộc phỏng vấn có liên quan; xem xét các tài liệu, nghiên cứu và đánh giá hệ thống hồ sơ; hệ thống kiểm soát nội bộ;... Trên cơ sở đó, so sánh bằng chứng thu thập được với các tiêu chí đặt ra.
- Bước lập báo cáo: Đoàn kiểm toán soạn thảo báo cáo của từng cuộc kiểm toán chi tiết; trong đó, đánh giá các sự kiện và kết quả kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán.
Các báo cáo gửi Quốc hội phải trả lời các câu hỏi: KTNN đã tiến hành kiểm toán những vấn đề gì? Tại sao những vấn đề này được xác định là quan trọng? Những nội dung đã phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán? Thái độ và sự phối hợp làm việc giữa KTNN và các đơn vị được kiểm toán có tốt không? Cần cải tiến những việc gì?...
Kiểm toán hoạt động đã đáp ứng được mong muốn của Quốc hội và người dân Canađa như thế nào?
Từ năm 1879, báo cáo kiểm toán hàng năm của KTNN Canađa là một công cụ chính của Quốc hội. Vì vậy, Luật Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành có quy định về nội dung là cho phép trình các báo cáo bổ sung.
Hiện nay, hàng năm cơ quan KTNN Canađa thường trình 04 loại báo cáo kiểm toán hoạt động lên Quốc hội: Báo cáo hàng năm được trình vào mùa Thu; Báo cáo trình vào mùa Xuân; Báo cáo gửi lên các Uỷ viên về Môi trường và phát triển bền vững được trình vào đầu mùa Thu; Báo cáo về quá trình thực hiện các kiến nghị các cuộc kiểm toán trước thường được trình vào mùa Đông hàng năm.
Trước khi trình lên Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước thông báo cho người phát ngôn của Quốc hội về dự kiến nộp báo cáo trước ít nhất 30 ngày. Người phát ngôn của Quốc hội được cung cấp một bản tóm tắt của từng loại báo cáo kiểm toán, không đề cập đến các phát hiện và kiến nghị kiểm toán.
Khoảng một tuần trước khi trình ra Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo ngắn gọn đến các Bộ trưởng phụ trách các cơ quan được đề cập đến trong báo cáo. Tại buổi gặp này, các đơn vị được kiểm toán và KTNN sẽ kiểm tra lại lần cuối cùng các thông tin trong Báo cáo kiểm toán, cung cấp thêm thông tin và có ý kiến trả lời về các kiến nghị.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cung cấp trước khoảng vài giờ về các thông tin mật cho các đại biểu Quốc hội trước khi trình báo cáo ra Quốc hội. Buổi trình bày này sẽ do Chủ tịch Uỷ ban Kế toán công chủ trì, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ báo cáo tóm tắt và dành thời gian cho việc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Báo chí và truyền hình không được tham dự khi Báo cáo kiểm toán được trình ra Quốc hội. Chỉ khi nào Báo cáo được Quốc hội thông qua thì báo chí mới được tiếp cận với những thông tin quan trọng đó. Nhà báo nhận được Báo cáo kiểm toán và kiểm toán viên có mặt tại cuộc họp báo để trả lời các câu hỏi của báo chí.
Tất cả các báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước đều được chuyển sang Uỷ ban Kế toán công để xem xét lại. Các báo cáo về môi trường được chuyển đến Uỷ ban Môi trường và Phát triển bền vững. Tổng Kiểm toán Nhà nước và người đứng đầu các cơ quan được kiểm toán cũng được mời đến để nghe báo cáo tóm tắt và trả lời các câu hỏi tại các cuộc họp tiếp thu ý kiến với các Uỷ ban của Quốc hội.
Sau các cuộc họp này, Uỷ ban Kế toán công trình báo cáo lên Hạ viện, bao gồm các ý kiến kiến nghị lên Chính phủ. Chính phủ có trách nhiệm giải trình trong vòng 150 ngày. Có thể khẳng định rằng, các cuộc họp tiếp thu ý kiến như vậy đã mang lại những hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả quản lý hết sức thiết thực. Đó chính là cơ hội quan trọng đối với Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khi sử dụng các Báo cáo kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước nhằm tăng cường sự quản lý, giải toả trách nhiệm cho Chính phủ và làm lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia n