Hội thảo sửa luật đổi, bổ sung Luật KTTN 2015 tại khu vực phía Bắc

09/05/2018
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) - Trong lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) 2015, ngày 08/5/2018, tại Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015”. Đồng chủ trì Hội thảo gồm: Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Đặng Thế Vinh; Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Dũng.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức lần thứ 3, sau khi được tổ chức tại 2 thành phố Nghệ An và Hồ Chí Minh, nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại các tỉnh, TP khu vực phía Bắc đối với các nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung của Luật KTNN 2015.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo của: Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của UBTVQH; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện một số Trường Đại học tại Hà Nội. Đại diện lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh, TP khu vực phía Bắc: Hải Phòng, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Bức Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định và TP. Hà Nội.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, sau gần 03 năm thi hành Luật KTNN năm 2015, Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Vì vậy, Hội thảo sẽ tập trung làm rõ các nội dung về: Đối tượng kiểm toán của KTNN; Xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức bảo đảm hạn chế chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; Nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; Nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN…

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần làm rõ đối tượng kiểm toán của KTNN, cần thiết phải bổ sung các đơn vị được kiểm toán và phạm vi kiểm toán của KTNN bảo đảm bao quát hết đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp, nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin, đơn vị được hỗ trợ NSNN… “ Không nên có quan điểm năng lực của KTNN đến đâu làm đến đó, mà cần tư duy theo hướng, chúng ta cần kiểm toán đến đâu thì phạm vi hoạt động của KTNN đến đó. Có những phạm vi đưa vào Luật có thể chưa thực hiện được ngay nhưng sẽ có tác dụng răn đe. Tôi cho rằng cần có hội thảo riêng để làm rõ nội dung về tài chính, tài sản công để khái niệm này đưa ra được đầy đủ, bao quát” - ông Đinh Dũng Sỹ đưa ý kiến.

Bàn về nội dung này, PGS.TS Đăng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán VN cho rằng, cần có sự thống nhất trong nhận thức, trong cách hiểu về "Việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công". "Việc quản lý "cần phải hiểu là tất cả các hoạt động từ tạo dựng cơ chế chính sách, tổ chức huy động, phân bổ và đảm bảo an toàn mọi nguồn lực tài chính, tài sản công. "Việc sử dụng" cần phải hiểu là dùng tài chính, tài sản cho những mục đích cụ thể và đem lại những kết quả nhất định về chính trị, kinh tế hoặc xã hội.

Hiểu như vậy để khẳng định, không chỉ những tổ chức, cá nhân thu nhập, tập trung, phân bổ, hay sử dụng tài chính Nhà nước, tài sản công mới là đối tượng của kiểm toán mà tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của KTNN (Người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công...). "Việc quản lý tài chính công, tài sản công" không chỉ được đánh giá ở khâu tổ chức thực hiện, mà quan trọng hơn là kiểm toán ngay từ khâu ban hành chính sách, phương thức huy động, khai thác và tập trung nguồn lực cho nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành Kiểm cho rằng, KTNN cần thiết thực hiện việc kiểm toán thu ngân sách (thu thuế) chứ không chỉ thực hiện đối chiếu thuế như hiện nay. Trên thực tế, dù có lực lượng thanh tra thuế nhưng đây là thanh tra chuyên ngành nên liệu có đảm bảo khách quan, có bao quát hết các hoạt động thu thuế.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ủng hộ quan điểm đã được một số tham luận đưa ra – “Một đồng của Nhà nước cũng cần phải được kiểm toán”, nhất là đối với Hà Nội, đối tượng quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công rất rộng, đặc biệt có rất nhiều doanh nghiệp nắm giữ nhiều tài sản của Nhà nước.

Tiến sỹ Tạ Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội Vụ ủng hộ quan điểm mở rộng hoạt động kiểm toán của KTNN, tuy nhiên lưu ý, việc mở rộng phạm vi hoạt động liên quan đến thay đổi, bổ sung tổ chức, bộ máy cần lưu ý không làm phình bộ máy, nhân sự, nhất là trong bối cảnh tinh giảm biên chế hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng tập trung thảo luận về chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động.
 
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Thanh tra Chín phủ chỉ nên thanh tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, không nên tự mình thanh tra. Các nhiệm vụ còn lại liên quan đến kiểm tra việc quản lý tài chính, tài sản công nên thuộc nhiệm vụ của KTNN. “Thời gian qua công tác phối hợp giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ đã tốt hơn rất nhiều, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý chồng chéo trong hoạt động hai bên vẫn còn khá vướng do đối tượng của thanh tra và KTNN còn nhiều trùng lắp. Tôi cho rằng, để rõ ràng, cùng với việc sửa đổi Luật KTNN, việc sửa đổi Luật Thanh tra Chính phủ cũng nên đi theo hướng này”- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu.

Liên quan đến nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trên thực tế thời gian qua việc chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN và thanh tra chủ yếu là có sự trùng lắp giữa KTNN và thanh tra các Bộ, ngành. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề vai trò quản lý giữa thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra Bộ, ngành và thanh tra địa phương.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai: Cần nghiên cứu để bổ sung các quy định nhằm hạn chế chồng chéo trong nhiệm vụ giữa KTNN và các hoạt động giám sát của các các cơ quan dân cử.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ đề xuất, về lâu dài phải tính chuyện thiết chế về Thanh tra Chính phủ hiện nay có cần thiết hay không và nếu cần thì chỉ nên giữ là thanh tra công chức, công vụ còn các hoạt động kiểm tra tài sản, tài chính công phải là hoạt động của KTNN. “Không nên tồn tại 2 cơ quan có nhiều trùng lắp về đối tượng, phạm vi hoạt động” – ông Đinh Hữu Sỹ đề xuất.
 
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng thống nhất rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật KTNN 2015 cần quy định rõ về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước.

Xuất phát từ thực tế, nhiều thông tin tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán được lưu trữ dưới dạng số hóa, dữ liệu điện tử. Việc cung cấp báo cáo tài chính, dự toán kinh phí và các tài liệu khác của đơn vị được kiểm toán dưới dạng dữ liệu điện tử giúp KTNN xây dựng được cơ sở dữ liệu về đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán được chất lượng, hiệu quả; tiến tới khi có đủ cơ sở dữ liệu điện tử và trong điều kiện đảm bảo hệ thống an ninh mạng, KTNN có thể thực hiện kiểm toán trực tuyến.

Đại diện HĐND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện đang xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Vì vậy, việc khai thác dữ liệu dùng chung (điện tử) là rất cần thiết. Việc luật hóa phạm vi cung cấp thông tin điện tử, cũng như quy định quyền và nghĩa vụ của các đơn vị cung cấp, khai thác thông tin là rất cần thiết, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, tài sản công.

Luật KTNN hiện hành chưa có quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan được đánh giá là nguyên nhân lớn khiến cho tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng.

Dẫn số liệu năm 2017, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các Đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của KTNN. Trong thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy số kiến nghị kiểm toán của KTNN không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35.7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)…làm thất thu ngân sách Nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Biện pháp chủ yếu hiện nay KTNN áp dụng là đôn đốc, nhắc nhở. Để khắc phục tình trạng này, phần lớn các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng cần có những quy định cụ thể hơn về chế tài xử lý khi đối tượng vi phạm. 

Theo Phó Tổng Thanh Tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, việc chưa có quy định rõ ràng về xử lý vi phạm phạm pháp luật KTNN khiến cho hiệu lực của các kết luận, kiến nghị của KTNN bị hạn chế nhiều.

Ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và các chế tài đối với các hành vi vi phạm trong  quá trình, quy trình thực hiện hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm không nên giao cho KTNN mà dành cho cơ quan có thẩm quyền…
 
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao chất lượng của các tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận và tiếp thu ý kiến quý báu của các đại biểu, đồng thời khẳng định đây là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để KTNN tiếp tục rà soát, đánh giá để đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 cho phù hợp với thực tế, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra./.

Ngọc Bích

Xem thêm »