Tập đoàn công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam: Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

06/08/2018
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 6/8/2018, tại Hà Nội, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên Ban chỉ đạo giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Tổ trưởng Tổ Công tác số 3 và 05 thành viên của Tổ Công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn đồng chủ trì buổi làm việc

05 thành viên Tổ Công tác gồm: Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế TW Lê Xuân Thành; Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước Nguyễn Danh Bình; Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương Nguyễn Sỹ Cường; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế TW Nguyễn Quang Huy; Phó Chánh văn phòng KTNN, Thư ký Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Tùng Lâm.

Về phía TKV có: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn; Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh Mai Lê Thành; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn; đại diện các Ban chuyên môn.

Học tập, tuyên truyền các Nghị quyết Trung ương năm, khóa XII thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn TKV, Bí thư Đảng Bộ, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn đã báo cáo với Tổ Công tác số 3 về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII (Nghị quyết Trung ương năm, khóa XII). Theo đó, Đảng ủy Tập đoàn TKV đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương để tổ chức học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm, khóa XII. Đã xây dựng Kế hoạch số 643 – KH/ĐU ngày 18/7/2017 về triển khai học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm, khóa XII. Thời gian tổ chức học tập, quán triệt và triển khai CTHĐ thực hiện hoàn thành trong tháng 8/2017.

Đảng ủy Tập đoàn TKV đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 24–CTr HĐ/ĐU ngày 18/8/2017 về thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm, khóa XII trong Tập đoàn. 73/73 chi, đảng bộ của Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch, xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện; 98,5%  cán bộ, đảng viên đã được học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm, khóa XII và viết bài thu hoạch nghiêm túc và hiệu quả; xây dựng Hướng dẫn số 695 – HD/ĐU, ngày 8/9/2017 về tuyên truyền các Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm, khóa XII, nhằm định hướng công tác tuyên truyền nội dung trọng tâm của Nghị quyết trong Tập đoàn.Việc quán triệt, học tập, tuyên truyền các Nghị quyết Trung ương năm, khóa XII thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người lao động, có tác dụng tích cực trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống” – ông Lê Minh Chuẩn nhận định.
 
Thể chế hóa các Nghị quyết và bài học kinh nghiệm
         
Theo ông Lê Minh Chuẩn, để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm, khóa XII của Đảng, Đảng ủy Tập đoàn TKV đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 24 – CTr HĐ/ĐU ngày 18/8/2017 về thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Xác định rõ việc cụ thể hóa các nội dung để thực hiện các Nghị quyết Trung ương.

Đối với Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng bộ Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người lao động về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp; xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ phục vụ trong Tập đoàn (như: nhà ăn, bảo vệ cơ quan,...); thúc đẩy hình thức liên kết sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất (công tác vận chuyển than, băng tải,...)

Đối với Nghị quyết số 11-NQ/TW “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trọng tâm là giữ vững vai trò trụ cột của Tập đoàn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Chương trình số 08-CTr/ĐU, ngày 08/8/2016 của Đảng ủy Tập đoàn về “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong Tập đoàn TKV”. Trong năm 2017, quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/ĐU, ngày 15/12/2016 của Đảng ủy Tập đoàn Về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2017”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ SXKD và cơ cấu lại doanh nghiệp. Lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm, hiệu quả các tồn tại, yếu kém trong những năm qua, đặc biệt là việc xử lý các doanh nghiệp, đơn vị, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, hiệu quả SXKD kém; tích cực xử lý nợ xấu theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị.

Đối với Nghị quyết số 12-NQ/TW “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, Tập đoàn xác định Nghị quyết số 12-NQ/TW  là Nghị quyết có tác động trực tiếp và toàn diện đến sự phát triển ổn định và bền vững của Tập đoàn, theo đó Tập đoàn TKV đã cụ thể hóa với 6 chương trình hành động cụ thể:  Tái cơ cấu Tập đoàn TKV giai đoạn 2016- 2020; Cơ giới hóa; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tái cơ cấu lực lượng lao động với phương châm “Giảm quỹ lương của doanh nghiệp nhưng Tăng tiền lương của người lao động”; Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; Xây dựng đội ngũ cán bộ.
 
Nhờ thể chế hóa các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng một cách quyết liệt, năm 2017 tổng doanh thu của Tập đoàn TKV đạt 109.200 tỷ đồng, bằng 102,2% KH, tăng 7,3% so với thực hiện 2016. Nộp ngân sách Nhà nước: 14.840 tỷ đồng, bằng 108% thực hiện năm 2016, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn đạt 3.050 tỷ đồng, tăng 2.014 tỷ đồng so với thực hiện năm 2016. Tất cả các khối kinh doanh trong Tập đoàn đều có lãi; trong đó: Lợi nhuận sản xuất than 1.529 tỷ đồng; khoáng sản 667 tỷ đồng; Vật liệu nổ 37 tỷ đồng; Sản xuất điện 609 tỷ đồng; ngành khác 208 tỷ đồng.6 tháng đầu năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 65.970 tỷ đồng, đạt 58 % KH, bằng 120% so với cùng kỳ 2017. Nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện 8.519 tỷ đạt 62 % KH, bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.000 tỷ đồng” – ông Lê Minh Chuẩn cho biết.

Được biết, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn thời điểm 31/12/2016 là 37.550 tỷ đồng, tại thời điểm 31/12/2017 là 38.990 tỷ đồng, tăng 1.440 tỷ đồng. Năm 2017 hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn có lãi 3.050 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đã trích lập đầy đủ dự phòng các khoản đầu tư tài chính, công nợ, giảm giá hàng tồn kho....

Đến thời điểm 30/6/2016, Tập đoàn TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 11/11 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch cổ phần hóa theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 07/02/2013, văn bản số 2656/TTg-ĐMDN ngày 29/12/. Trong số này có 3 Tổng công ty có quy mô lớn về vốn, lao động, số lượng đơn vị thành viên, địa bàn hoạt động. Sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, vốn Nhà nước tại 11 doanh nghiệp cổ phần hóa đã tăng thêm 1.875,6 tỷ đồng.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, Tập đoàn TKV đã phân kỳ kế hoạch thực hiện từng năm và xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm 2018: Chuẩn bị các bước để cổ phần hoá Công ty mẹ - Tập đoàn trong 2019; Cổ phần hoá 2 công ty con; Thoái vốn tại 19 công ty con và liên kết (thoái toàn bộ vốn: 11 công ty; thoái một phần vốn: 8 công ty); Tăng tỷ lệ sở hữu vốn: 6 công ty; Giải thể: 2 công ty/chi nhánh; Phá sản: 1 công ty; Chuyển đổi mô hình tổ chức: 2 công ty/chi nhánh; Thành lập mới: 1 chi nhánh.

Báo cáo Tổ Công tác số 3 về những tồn tại, bất cập và hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV, ông Lê Minh Chuẩn thẳng thắn nhận trách nhiệm về một số chỉ tiêu chủ yếu về sản lượng khai thác, tiêu thụ than, đầu tư XDCB của Tập đoàn chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra. Một số dự án chưa đạt công suất thiết kế, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư phải điều chỉnh dẫn đến thời gian thực hiện đầu tư kéo dài. Công tác quản lý dự án của chủ đầu tư, công tác tư vấn, thẩm định... còn hạn chế.

Tỷ lệ thợ lò bỏ việc tăng cao, dẫn đến nguy cơ thiếu thợ lò khi đẩy mạnh khai thác than hầm lò trong thời gian tới; Năm 2017 xẩy ra 15 vụ tai nạn lao động, làm chết 16 người, 6 tháng đầu năm 2018 xẩy ra 7 vụ tai nạn lao động, làm chết 7 người; Trong SXKD, vẫn còn một số đơn vị khó khăn, hiệu quả SXKD còn thấp; Chưa thoái vốn triệt để, việc cổ phần hóa các Tổng công ty có quy mô vốn điều lệ lớn thì tỷ lệ bán cổ phần cho các nhà đầu tư chưa đạt theo phương án được phê duyệt; Một số cấp ủy đảng ở cơ sở chưa thực sự phát huy đúng vai trò hạt nhân lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, nhất là trong việc xây dựng và ban hành các nghị quyết lãnh đạo, trong công tác kiểm tra, giám sát.

Trao đổi về giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, Tập đoàn TKV sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng, đặc biệt Nghị quyết số 12-NQ/TW Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trong Tập đoàn.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, tiền lương thu nhập cho người lao động. Tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cho sự phát triển hiệu quả, bền vững của Tập đoàn. 

Lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn có trọng điểm và hiệu quả, theo đúng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Đảng và Chính phủ. Hoàn thành đảm bảo tiến độ, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định 2006-QĐ/TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh áp dụng KHCN trong SXKD và quản lý; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu và tinh giản lao động, đến năm 2020 lao động toàn Tập đoàn giảm xuống dưới 100 ngàn người, tỷ lệ lao động gián tiếp dưới 10%.

Kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn chủ sở hữu, nhất là người đứng đầu.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích; đồng thời xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm.

Đề xuất, kiến nghị

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tập đoàn TKV trong quá trình thực tế triển khai công việc sản xuất, kinh doanh, TKV đề xuất với BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 đã được duyệt tại Quyết định số 167/2007/TTg-CP ngày 01/11/2007; Rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp bauxit-alumin-nhôm và phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên.

Tập đoàn TKV đề nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn thực hiện giá bán than theo giá bán trên thị trường thế giới; sớm xem xét, cho phép TKV tiếp tục triển khai Dự án Sắt Thạch Khê; cho phép Tập đoàn triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I theo Phương án các Nhà đầu tư tham gia góp vốn đầu tư Dự án, bao gồm: TKV (36%), KOSPO (34%) và SAMTAN (30%); Chính phủ quan tâm công tác thăm dò, phát triển tài nguyên, nhất là than để Vinaminco có cơ sở chuẩn bị các nguồn lực đáp ứng nhu cầu sản xuất than- khoáng sản cho giai đoạn 2025- 2030 và các năm sau.

Đối với chính sách pháp luật về thuế, phí, Tập đoàn TKV đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về phí, lệ phí để đảm bảo giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường, theo đó chính sách thuế phí cần xác định dài hạn từ 10 năm - 20 năm và mức thuế, phí tương đương với các nước trong khu vực để ngành than chủ động trong việc đầu tư đầu tư các mỏ than. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, UBND các tỉnh xây dựng chính sách thuế, phí đối với sản phẩm than, khoáng sản phù hợp, theo hướng xác định rõ mức thu, thời điểm thu để Tập đoàn TKV có thể cạnh tranh được với than nhập khẩu, có điều kiện tăng lợi nhuận, có đủ nguồn vốn đối ứng và đầu tư xây dựng các mỏ than theo quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, Tập đoàn TKV đề nghị Chính phủ xem xét ban hành quy định về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg), hướng dẫn chi tiết việc thoái vốn Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhà nước triển khai Đề án tái cơ cấu đảm bảo tiến độ, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tập đoàn TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chấp thuận giá điện của Nhà máy nhiệt điện Na Dương II đã được TKV và Công ty mua bán điện đã thống nhất. Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo để TKV triển khai các bước tiếp theo. Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả III, đề nghị chấp thuận để TKV tìm kiếm địa điểm đầu tư xây dựng tại tỉnh Thái Bình.
 

Toàn cảnh buổi làm việc của Tổ Công tác số 3 tại Tập đoàn TKV

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Đảng ủy Than Quảng Ninh và các thành viên trong Tổ Công tác số 3, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 Hồ Đức Phớc đánh giá cao sự chủ động và những kết quả đạt được của Tập đoàn TKV trong việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thể chế hóa các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng. Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, thời gian tới, Tập đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của các cấp ủy Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động SXKD, đặc biệt là đối với các đơn vị đang thực hiện thoái vốn; chú trọng đẩy mạnh, nâng cao năng suất lao động thông qua việc quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại và phù hợp với hoạt động SXKD, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao trong thăm dò, khai thác than, khoáng sản để nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy mạnh năng lực và hiệu quả hoạt động…"Chúng tôi ghi nhận những đề xuất, kiến nghị về tình hình thực tế của Tập đoàn, tổng hợp báo cáo gửi Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết trong thời gian tới, cùng tháo gỡ khó khăn để Tập đoàn phát triển"- Tổng Kiểm toán nhà nước kết luận./.
 
Minh Thúy
 

Xem thêm »