(sav.gov.vn) - Sáng 09/10/2018, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 10/2018.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị giao ban tháng 10/2018
Hội nghị đã nghe Chánh Văn phòng KTNN Nguyễn Ngọc Sùng báo cáo kết quả công tác tháng 9 và dự kiến kế hoạch công tác tháng 10/2018.
Báo cáo nêu rõ, trong tháng 9/2018, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Trong tháng 9/2018, Lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt kế hoạch 35 cuộc kiểm toán, triển khai 43 cuộc kiểm toán, xét duyệt 35 báo cáo kiểm toán. Lũy kế đến 30/9/2018, đã tổ chức xét duyệt kế hoạch 222/232 cuộc kiểm toán; triển khai 211 quyết định kiểm toán; xét duyệt 140/253 báo cáo kiểm toán, ký phát hành 85 báo cáo kiểm toán thuộc KHKT năm 2018.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến hoàn thiện Dự kiến KHKT năm 2019 của KTNN. KTNN đã cung cấp tài liệu 01 vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra. Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký ban hành Đề cương kiểm toán Chuyên đề về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đã phát hành 03 báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất; 02 báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp; tổ chức 02 cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với Kiểm toán trưởng, đồng thời tiếp tục thực hiện kiểm soát gián tiếp các cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Vụ Tổng hợp và các đơn vị liên quan đã trả lời 06 văn bản kiến nghị về kết quả kiểm toán.
Đặc biệt, trong tháng 9/2018, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với đại biểu trong nước và quốc tế. Đại hội đã đạt được thành công quan trọng về chuyên môn với các kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã giúp cho các SAI thành viên có cái nhìn sâu sắc về vấn đề mang tính thời sự và tìm ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện kiểm toán đạt được thành công các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường tại từng quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới, đặc biệt là việc thông qua “Tuyên bố Hà Nội” với mục đích truyền tải những thông điệp quan trọng nhất, cũng như những đề xuất giải pháp của các SAI thành viên hướng tới việc đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh các sự kiện chính, các cuộc họp cấp kỹ thuật, chuyên môn của ban thư ký và các ủy ban, nhóm công tác, và kỳ họp Ban Điều hành lần thứ 52, 53 cũng được tổ chức trong thời gian trước và sau các phiên chính thức của Đại hội.
Việc KTNN đăng cai Đại hội ASOSAI 14 và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 là cơ hội để KTNN khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế, giúp KTNN khẳng định sự trưởng thành và phát triển, có thể đảm đương tốt các trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh khắc phục như: Việc phát hành báo cáo kiểm toán còn chậm; một số công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của ngành; việc xây dựng một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch; còn 71 văn bản trả lời kiến nghị kiểm toán chưa được trả lời.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ, nêu những tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác. Đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị bổ sung thêm những nội dung còn hạn chế, chưa làm được trong thời gian qua trong Báo cáo công tác tháng 9/2018, để có hướng khắc phục trong thời gian tới. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh cần thực hiện sát sao hơn nữa việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán, trả lời khiếu nại, đồng thời phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ…
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá, trong tháng 9/2018, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch. Tuy nhiên, tiến độ phát hành BCKT còn chậm so với quy định của Luật KTNN; việc trả lời kiến nghị kiểm toán chưa có nhiều chuyển biến; Một số Kiểm toán viên còn có biểu hiện ngại học tập, trau dồi, nâng cao trình độ; Việc chấp hành quy chế Đoàn, Tổ Kiểm toán còn thực hiện chưa nghiêm…
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ cuối năm 2018. Triển khai công tác tháng 10/2018, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm:
Các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực tiếp tục thực hiện kiểm toán theo kế hoạch; khẩn trương phát hành báo cáo kiểm toán các cuộc kiểm toán đã kết thúc. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán theo Công điện số 1213/CĐ-KTNN ngày 28/8/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Vụ Tổng hợp hoàn thiện KHKT năm 2019 của KTNN gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV; tổng hợp danh mục các đầu mối, đơn vị theo dự kiến KHKT năm 2019 trình Tổng Kiểm toán nhà nước; hoàn thiện báo cáo ý kiến của KTNN về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN năm 2019 và phương án phân bổ NSTW năm 2019; phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh việc trả lời các đơn vị được kiểm toán theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái theo Nghị quyết số 36-NQ/BCS của Ban cán sự Đảng; Đẩy mạnh hoạt động Công nghệ thông tin, trong đó, Trung tâm Tin học, Ban quản lý dự án CNTT thuộc KTNN cần chủ động nắm bắt những công nghệ mới, nghiên cứu, chọn lọc để đưa vào ứng dụng trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Siết chặt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, để công tác đào tạo của KTNN thực sự đi vào chiều sâu.../.
M. Thúy