(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Ban điều hành các Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 54 được tổ chức tại Kuwait, tại phiên họp chiều 23/7/2019, Ban điều hành ASOSAI đã thông qua đề xuất thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Ủy viên BCHTW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 điều hành phiên họp.
Quang cảnh phiên họp
Tại phiên họp, Ông Phan Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT đại diện KTNN Việt Nam đã trình bày Báo cáo của Chủ tịch ASOSAI về Đề xuất thực hiện Tuyên bố Hà Nội.
Báo cáo nêu rõ: Tuyên bố Hà Nội là văn kiện chính thức của Đại hội, thể hiện các khuyến nghị và nỗ lực của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ). Tuyên bố Hà Nội thể hiện tầm nhìn dài hạn của ASOSAI trong giai đoạn tới, xác định rõ vai trò của ASOSAI trong quá trình thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu, xác định các nhiệm vụ chiến lược của tổ chức ASOSAI, như tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các SAI thành viên, trách nhiệm của từng SAI và cả cộng đồng ASOSAI đối với quốc gia, khu vực và thế giới.
Mặt khác, Tuyên bố Hà Nội cũng xác định các phương hướng, giải pháp và hành động tăng cường hiệu quả hoạt động của ASOSAI nhằm thúc đẩy sự phát triển và mang lại giá trị và lợi ích cho tất cả thành viên của ASOSAI, đồng thời đề ra các hành động thiết thực để cụ thể hóa các khuyến nghị: Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong cộng đồng ASOSAI, song song với hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu, tôn trọng những nguyên tắc chung trong việc INTOSAI đóng góp vào chương trình nghị sự phát triển của LHQ đến năm 2030 về vấn đề phát triển bền vững, trong đó chú trọng quản trị tốt và tăng cường chống tham nhũng thông qua một số phương pháp tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững.
Đề xuất thực hiện Tuyên bố Hà Nội gồm mục tiêu chiến lược số 01 về Thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; giải quyết các thách thức môi trường và mục tiêu chiến lược số 02 về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó xác định rõ dự án/hoạt động, SAI chủ trì/thành viên, thời gian thực hiện, kết quả dự kiến và đánh giá rủi ro dự kiến.
Theo đó, Chủ tịch Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA) – KTNN Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng chủ trì thực hiện mục tiêu chiến lược số 01 về kiểm toán môi trường. Cụ thể, ASOSAI WGEA đang chủ trì thực hiện các dự án giai đoạn 2017-2019, gồm: Đề án nghiên cứu “Ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường”; Đề án nghiên cứu “Kiểm toán xóa đói giảm nghèo và cải thiện môi trường sống ở nông thôn”; Chương trình kiểm toán hợp tác về kiểm toán môi trường nước”. Các hoạt động khác như đào tạo, phương pháp kiểm toán, khung pháp lý, báo cáo khu vực, kiểm toán hợp tác ngoài khu vực,... sẽ do ASOSAI WGEA chủ trì đề xuất và thực hiện.
Liên quan đến mục tiêu chiến lược số 02 về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, hiện nay ASOSAI và IDI đang hoặc dự kiến triển khai một số hoạt động: Đề án nghiên cứu ASOSAI 12 về “Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững” do KTNN Các Tiểu vương quốc Ả- rập thống nhất chủ trì thực hiện (2019-2021); Các hoạt động/sáng kiến trong khuôn khổ của Ủy ban phát triển năng lực ASOSAI chủ trì, gồm: Chương trình phát triển năng lực ASOSAI 2020-2021 về chủ đề “Kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” cho kiểm toán cấp sơ và trung cấp (2020-2021); Hội thảo chia sẻ kiến thức ASOSAI về chủ đề “Kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” (2020); Chương trình kiểm toán tuân thủ hợp tác về kiểm toán mua sắm bền vững từ năm 2020 liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững số 12 và 16 của Liên hiệp quốc (từ năm 2020 do IDI thực hiện).
Ở mục tiêu chiến lược số 2, KTNN Kuwait đã xây dựng Báo cáo về Vai trò của SAI trong việc thúc đẩy việc phát triển bền vững, trong đó, đề xuất thành lập Nhóm làm việc của ASOSAI về thúc đẩy phát triển bền vững.
Những đề xuất thực hiện Tuyên bố Hà Nội của KTNN Việt Nam với sự tham gia tích cực của KTNN Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và KTNN Kuwait đã nhận được sự đồng tình của các SAI thành viên.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Báo cáo đề xuất không phải là một Bản kế hoạch riêng biệt, tách rời Kế hoạch chiến lược ASOSAI. Vì vậy, tất cả các đề xuất được Ban điều hành thông qua sẽ được tổng hợp vào Kế hoạch Chiến lược ASOSAI bởi Nhóm nòng cốt quản lý Kế hoạch chiến lược ASOSAI do KTNN Trung Quốc - Tổng Thư ký ASOSAI làm Trưởng Nhóm để tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện tại các Cuộc họp Ban điều hành tiếp theo.
Liên quan đến việc thành lập Nhóm làm việc ASOSAI về thúc đẩy phát triển bền vững theo đề xuất của KTNN Kuwait, Tổng Thư ký ASOSAI cho biết: Theo Điều 18 trong Quy định và điều lệ ASOSAI, mục Chức năng của Ban điều hành “Ban điều hành sẽ thành lập 01 ủy ban đặc biệt để nghiên cứu kỹ lưỡng về tính khả thi của việc thành lập một Nhóm làm việc mới của ASOSAI và sẽ báo cáo kết quả lên Ban điều hành tại Cuộc họp BĐH tiếp theo năm 2020.
Cũng tại phiên họp, Ban điều hành ASOSAI đã thống nhất cao việc thành lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu thành lập Nhóm làm việc mới của ASOSAI nghiên cứu về kiểm toán thúc đẩy phát triển bền vững.
KTNN Kuwait đã xung phong chủ trì Ủy ban đặc biệt này, các SAI thành viên: Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhỹ Kỳ, Nepal, Thái Lan, Nhật Bản sẽ tham gia là thành viên của Ủy ban./.
Nguyễn Thị Thuý