Cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, nhiều người cho rằng, Luật đã mở rộng đối tượng kiểm toán, đặc biệt bao gồm cả doanh nghiệp ngoài nhà nước?
Tôi khẳng định rằng, Dự luật không hề mở rộng đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước so với luật hiện hành. Cụ thể, đối tượng kiểm toán nhà nước (KTNN) là việc quản lý, sử dụng
tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Đơn vị được kiểm toán vẫn là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Luật hiện hành quy định, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN là phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp; thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, Luật không làm rõ khái niệm thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, nên trong quá trình kiểm toán, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Dự luật chỉ làm rõ nội dung này, không hề mở rộng đối tượng KTNN.
Cụ thể, Dự luật quy định đối tượng liên quan gồm những như cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, thưa ông?
Chúng tôi dự kiến trình Quốc hội 2 phương án.
Một là, bổ sung phần giải thích từ ngữ để giải thích cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN gồm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng khai thác khoáng sản, đất đai và tài nguyên khác; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Hai là, bổ sung nội dung trên vào điều quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của KTNN, đồng thời quy định trách nhiệm của Tổng KTNN về việc quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy định như vậy thì việc hiểu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước mở rộng đối tượng được kiểm toán sang cả khu vực tư nhân cũng không sai?
Mặc dù Luật Kiểm toán nhà nước chưa quy định rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, nhưng với nhiệm vụ đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong những năm vừa qua, KTNN vẫn thực hiện kiểm toán, đối chiếu thuế với khu vực ngoài nhà nước.
Cụ thể, năm 2017, thực hiện kiểm toán quản lý thu ngân sách tại cơ quan thuế, chúng tôi tiến hành đối chiếu hơn 3.170 hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, đã kiến nghị, kết luận tăng thu cho ngân sách nhà nước 1.635 tỷ đồng tại trên 2.920 doanh nghiệp.
Hay như năm 2018, chúng tôi kiểm toán 8
dự án BOT, đã phát hiện ra nhiều sai phạm, vi phạm, kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 16,2 năm tại 7/8 dự án, giảm giá trị
đầu tư 1.059 tỷ đồng so với phương án mà chủ đầu tư đưa ra ban đầu. Với các dự án BT cũng tương tự, năm 2018, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán 7 dự án, phát hiện ra hàng loạt vi phạm, sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng.
Như vậy, nếu KTNN không kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, thì ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước đã bị thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì vậy, để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công, cần phải làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, chứ không phải là mở rộng đối tượng kiểm toán.
Xét cho cùng, cái gì cũng liên quan đến tài chính công, tài sản công. Như vậy, thưa ông, KTNN có thể kiểm toán tất cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh?
Không phải KTNN muốn kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế; hồ sơ quyết toán với công trình, dự án nào cũng được, mà chỉ được kiểm tra, kiểm toán, đối chiếu hồ sơ của đối tượng có liên quan đến hoạt động KTNN, khi bảo đảm 2 điều kiện là có sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan đến đối tượng đang được kiểm toán.
Ví dụ, khi kiểm toán thu ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế thì trong hàng ngàn hồ sơ nộp thuế của doanh nghiệp tại cơ quan thuế, chúng tôi chỉ lựa chọn một số hồ sơ khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế có mức độ rủi ro cao để đối chiếu lại xem doanh nghiệp có thực hiện đúng nghĩa vụ thuế không, cơ quan quản lý thuế có tuân thủ đầy đủ pháp luật về thuế hay không.
Nếu phát hiện ra thất thu, thu chưa hết, chưa đủ, hoàn thuế chưa đúng, khai thuế chưa chính xác làm giảm số thuế phải nộp, làm tăng số thuế phải hoàn…, chúng tôi mời doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế cùng với KTNN xác định mức độ đúng đắn trong chấp hành chính sách thuế, pháp luật về thuế. Trong trường hợp chưa chấp hành đúng khiến làm giảm số thuế phải nộp, làm tăng số thuế được hoàn, được khấu trừ, thì chúng tôi kiến nghị cơ quan thuế truy thu, truy hoàn, chứ không phải “tự ý” vào doanh nghiệp để kiểm toán, đối chiếu hồ sơ.
Mạnh Bôn