(sav.gov.vn) - Ngày 07/01/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức gặp mặt thân mật các cán bộ hưu trí thuộc khu vực phía Bắc nhân dịp Xuân Tân Sửu năm 2021. Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì buổi gặp mặt.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi gặp mặt
Tham dự buổi gặp mặt có nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương, Nguyễn Hữu Vạn; các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh; các đồng chí nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN; các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động KTNN đã nghỉ hưu.
Tại buổi gặp mặt, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của KTNN. Theo đó, năm 2020, trước tình hình quốc tế và trong nước có những biến động phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng toàn diện tới hoạt động kinh tế - xã hội và công tác kiểm toán, song với tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, KTNN đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2020 với nhiều kết quả nổi bật.
Trong năm, toàn Ngành đã triển khai 186/188 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch. Các cuộc kiểm toán đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, các cuộc kiểm toán phát hành BCKT theo đúng quy định của Luật KTNN.
Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 31/12/2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 60.035 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
Bên cạnh nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 131 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.
Trong năm, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 vào thời điểm quan trọng: KTNN vừa bước qua chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010 – 2020. Đại hội được tiến hành theo tinh thần đoàn kết, dân chủ và đề ra mục tiêu “Xây dựng Đảng bộ KTNN kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, đổi mới và hội nhập”.
Đặc biệt, ngày 16/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), trong đó đã xác định 3 trụ cột phát triển gồm: khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ; 7 nội dung chính, tập trung ở khuôn khổ pháp lý; hệ thống tổ chức bộ máy; nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập, hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất và CNTT, công nghệ cao.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động đối ngoại của KTNN, song KTNN vẫn bám sát Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI, tổ chức thành công cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 và đã đạt được một số nội dung quan trọng, như: Thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; thống nhất kiểm toán quốc tế việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông vì sự phát triển bền vững do KTNN Việt Nam chủ trì...
Bên cạnh đó, công tác tổ chức cán bộ và nghiên cứu khoa học, đào tạo, công tác ứng dụng CNTT và công nghệ cao, công tác cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và công tác khác cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2021 KTNN xác định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Theo đó, KTNN sẽ tổ chức thực hiện 181 cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2021; Triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN cho phù hợp với bối cảnh và xu hướng mới; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện thắng lợi vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, thành viên ASOSAI giai đoạn 2018-2024 và các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững…
Tại buổi gặp mặt, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương và nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân đã cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của Lãnh đạo KTNN. Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của KTNN trong thời gian qua, các đồng chí mong muốn trong thời gian tới, KTNN cần tiếp tục đoàn kết, thống nhất; quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo năng lực cho ngũ cán bộ, công chức, Kiểm toán viên nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình công tác, đội ngũ Kiểm toán viên phải giữ vững lập trường, kỷ cương, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp…
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương và nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân khẳng định, các thế hệ cán bộ hưu trí sẽ luôn quan tâm và dõi theo từng bước trưởng thành của KTNN đồng thời gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng vào các thế hệ cán bộ, công chức đương nhiệm của Ngành sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
Thay mặt Lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tri ân và bày tốt lòng biết ơn sâu sắc tới các các thế hệ cán bộ hưu trí - những người đã đặt nền móng để xây dựng, làm nên truyền thống của KTNN.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: Trong năm 2020, toàn ngành đã đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; uy tín và vị thế của KTNN trong nước và quốc tế ngày càng nâng cao; năng lực chuyên môn của KTNN được nâng lên, đủ sức đảm nhiệm nhiều cuộc kiểm toán lớn; việc ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được đẩy mạnh; cơ sở vật chất của KTNN được hoàn thiện… “Để có được thành công đó, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn Ngành, luôn có sự động viên, ủng hộ, khích lệ của các cán bộ hưu trí, góp phần tích cực vào thành tích của KTNN. Trong thời gian tới, KTNN rất mong tiếp tục nhận được sự động viên, khích lệ và quan tâm giúp đỡ của các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động KTNN đã nghỉ hưu để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh./.
M. Thúy