Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nghe báo cáo về công tác tổ chức, hoạt động của KTNN khu vực I

23/04/2021
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) - Chiều 22/4/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN khu vực I đã có buổi làm việc, báo cáo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh về công tác tổ chức, hoạt động và kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, đại diện lãnh đạo một số đơn vị tham mưu của KTNN cùng toàn thể cán bộ chủ chốt của KTNN khu vực I.

Báo cáo tại buổi làm việc, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn cho biết, KTNN khu vực I (trước đây là KTNN khu vực phía Bắc) được thành lập ngày 12/9/1995. Khi mới thành lập, địa bàn kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước giao 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo Quyết định số 1350/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN khu vực I có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn khu vực theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước gồm: Thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hòa Bình.

KTNN khu vực I có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật thông tin về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, trung hạn, dài hạn của đơn vị trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt; Tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng…

Hiện nay KTNN khu vực I có 05 lãnh đạo cấp Vụ, 08 Trưởng phòng và 25 Phó Trưởng phòng, 98 công chức, Kiểm toán viên và người lao động, cơ cấu thành 08 phòng gồm: Văn phòng, Phòng Tổng hợp và 06 phòng nghiệp vụ.
 

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn báo cáo tại buổi làm việc

Theo ông Vũ Khánh Toàn, năm 2021, KTNN khu vực I được giao thực hiện 08 cuộc kiểm toán. Từ ngày 15/3/2021, Kiểm toán nhà nước khu vực I đã triển khai thực hiện 03 đoàn kiểm toán, gồm: Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc; Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 của tỉnh Hà Nam; Đoàn kiểm toán Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Hà Đông, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh.

Kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với 06 Đoàn kiểm toán năm 2020 của KTNN khu vực I đã xây dựng và được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt tại Thông báo số 345/TB-KTNN ngày 26/3/2021. Đến nay đơn vị đã triển khai 02/06 cuộc kiểm tra gồm: Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico).

Ngoài ra, đơn vị được giao Chủ trì xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Hướng dẫn kiểm toán ngân sách địa phương. Đồng thời tham gia ý kiến đóng góp với trách nhiệm cao và có chất lượng cho nhiều văn bản của Ngành. Đơn vị đã phối hợp với Ban Tài chính của KTNN đối chiếu chứng từ thực hiện kiến nghị kiểm toán với Bộ Tài chính, làm cơ sở trích 5% cho KTNN theo quy định.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước một số nội dung về: Cơ sở vật chất; việc quản lý Biên bản kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán, Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được công khai; công tác nhân sự...
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu đánh giá: KTNN khu vực I luôn là đơn vị dẫn đầu KTNN với những thành tích nổi bật, liên tục qua các năm và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực: ngân sách, đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị rất tích cực tham gia ý kiến cùng các đơn vị tham mưu xây dựng các văn bản, chính sách của KTNN cũng như của đất nước khi được yêu cầu. Hoạt động của đảng bộ rất nề nếp, công tác xây dựng đảng được đặc biệt quan tâm...

Với vai trò là Lãnh đạo trực tiếp phụ trách đơn vị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động của KTNN khu vực I trong thời gian qua; đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng phương án nhân sự phù hợp biên chế được giao, tránh bị động trong thực thi công vụ; phát huy hơn nữa tinh thần tích cực, trách nhiệm trong nhiệm vụ tham gia góp ý, xây dựng văn bản pháp luật, xây dựng hướng dẫn, góp ý cho văn bản của Ngành; chủ động rà soát các kiến nghị còn tồn tại trong các năm trước để xử lý, giải quyết tồn đọng; tăng cường sử dụng phần mềm trong hoạt động kiểm toán…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức buổi làm việc cùng Ban cán sự đảng của Thanh tra Chính phủ để xem xét, thông qua dự thảo Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan, tránh việc trùng lắp, chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ mỗi đơn vị…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh biểu dương và ghi nhận các thành tích KTNN khu vực I đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong 4 tháng đầu năm 2021. “Tôi mong các đồng chí sẽ không ngừng phát huy tính chủ động, tích cực, trách nhiệm trong hoạt động của đơn vị cũng như những hoạt động chung của KTNN, tinh thần đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Hoan nghênh tinh thần báo cáo thẳng thắn, không ngại va chạm của KTNN khu vực I, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, sau khi làm việc, nắm bắt tình hình tất cả các đơn vị trực thuộc KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ giao cho các đơn vị có liên quan tổng hợp, nghiên cứu để tìm ra hướng giải quyết các kiến nghị được đề xuất, như: Xây dựng kế hoạch kiểm toán, việc tránh trùng lặp, chồng chéo trong và ngoài ngành, vấn đề liên quan đến phạm vi chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn kiểm toán, tổ chức nhân sự…/.

M. Thúy

Xem thêm »