Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ

08/06/2021
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) – Chiều 07/6/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB). Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đại diện lãnh đạo một số đơn vị tham mưu của KTNN, lãnh đạo và công chức của Vụ TCCB.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại buổi làm việc


Báo cáo Tổng Kiểm toán về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ Vụ TCCB, Phó Vụ trưởng Vụ TCCB Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong thời gian qua, Vụ đã quán triệt triển khai thực hiện nhiệm vụ đến từng công chức theo đúng phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền được giao, cùng với sự phối hợp của các đơn vị trực thuộc, công tác tổ chức cán bộ đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra; các nội dung công việc được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, tập thể Vụ TCCB là tập thể đoàn kết, nhất trí cao, luôn được lãnh đạo KTNN và các đơn vị trong, ngoài Ngành đánh giá cao. Bên cạnh việc thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và Chính phủ về công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo, Vụ TCCB đã nghiên cứu, tham mưu ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với đặc thù của KTNN. Hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ của KTNN đã được hoàn thiện căn bản, giúp đơn vị trong Ngành có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Tổ chức bộ máy của KTNN được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất. Cơ cấu tổ chức của KTNN thực hiện theo Luật KTNN và Nghị quyết của UBTVQH. Hiện nay, tổng số đơn vị cấp Vụ trực thuộc KTNN gồm 32 đơn vị, tổ chức theo các khối: Tham mưu, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực, đơn vị sự nghiệp. Tổng số đơn vị cấp phòng, ban hiện nay là 194 đơn vị. Các đơn vị cấp phòng được tổ chức theo mô hình phòng chuyên môn hóa. Tính đến 31/5/2021 tổng số người làm việc tại KTNN là 2.105 người, bao gồm: 1.833 công chức; 69 viên chức và 203 HĐLĐ.

Để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho KTNN, trong điều kiện tổng biên chế giới hạn của KTNN, Vụ TCCB đã chủ động đề xuất, tham mưu tổ chức công tác tuyển dụng theo đúng quy định, khách quan, công khai, minh bạch, tập trung vào việc lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có đủ điều kiện theo diện thu hút nhân tài theo quy định. Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức của KTNN từng bước được tăng cường về số lượng, chất lượng, cơ cấu công chức dần hoàn thiện, đủ năng lực và trình độ thực thi công vụ.

Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện thường xuyên, góp phần từng bước điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức trong toàn Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín về cán bộ trong từng đơn vị; thực sự tạo điều kiện tốt cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài của KTNN và các đơn vị mới, địa bàn mới; là cơ hội, điều kiện để cán bộ trẻ có triển vọng trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của KTNN.

Vụ TCCB đã chủ trì tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Kiểm toán viên của KTNN; chủ trì, phối hợp với Trường Đào tạo, Vụ HTQT và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn và hàng năm. Căn cứ vào Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt, Vụ TCCB và các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Vụ TCCB đã tham mưu việc tăng cường xây dựng và kiện toàn đội ngũ giảng viên của Ngành theo hướng tăng cường giảng viên từ nguồn cán bộ, công chức, viên chức của KTNN.

Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và triển khai thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030,  Vụ TCCB đang chủ trì xây dựng các Đề án về tổ chức cán bộ: Đề án Vị trí việc làm; Đề án số lượng biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa;  Xây dựng bảng lương chuyên ngành của KTNN;  Đề án nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính; Đề án nâng cấp Trường ĐT&BD NVKT thành Học viện Kiểm toán.

Báo cáo của Vụ TCCB cũng tập trung đánh giá một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: Việc triển khai định hướng phát triển tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN theo quy định trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 còn gặp khó khăn trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị thực hiện theo định hướng của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCHTW về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả; Việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/BCS và quy định của Luật phòng, chống tham nhũng chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn, do một bộ phận công chức còn ngại khó, ngại khổ, lựa chọn vị trí, đơn vị..; Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu đặt ra; Công tác đánh giá cán bộ mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu làm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...
 
Phó Vụ trưởng Vụ TCCB cho biết,  trong thời gian tới, Vụ TCCB sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2021 của Vụ TCCB, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về công tác cán bộ; Hoàn thiện kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng, trình Ban Cán sự Đảng (BCSĐ), Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt chủ trương và hướng dẫn thực hiện bổ sung công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2026 và các giai đoạn tiếp theo.

Báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của BCSĐ, Tổng Kiểm toán nhà nước  để có định hướng về cơ cấu tổ chức bộ máy của KTNN trong đó có việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính và nâng cấp Trường ĐT& bồi dưỡng NVKT thành Học viện Kiểm toán.

Tổ chức sơ kết, đánh giá, báo cáo BCSĐ kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCS theo Thông báo kết luận số 26-TB/BCS ngày 22/4/2021 của BCSĐ (hoàn thành trong Quý III/2021); tham mưu BCSĐ, Tổng Kiểm toán nhà nước  tiếp tục kiện toàn cơ cấu đội ngũ lãnh đạo các cấp; luân chuyển, điều động, sắp xếp, bổ sung nhân sự trong các đơn vị trực thuộc đảm bảo cơ cấu, chất lượng đáp ứng nhiệm vụ được giao theo đúng quy định.

Xây dựng kế hoạch công tác năm 2022 gắn liền với việc triển khai, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết của Đảng ủy cấp trên vào công tác tổ chức cán bộ.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho rằng, công tác tổ chức cán bộ là công tác khó, phức tạp vì liên quan đến con người. Điều này đòi hỏi Vụ TCCB cũng như bản thân mỗi cán bộ, công chức của Vụ cần phải tiếp tục phấn đấu, bồi dưỡng trình bộ, tăng cường việc  rà soát, nắm bắt một cách toàn diện về công tác cán bộ; từ đó tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước bố trí sắp xếp, đề bạt, luân chuyển và đào tạo một cách hợp lý, tạo điều kiện để cán bộ cống hiến, phát huy năng lực của mình, đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
 
Kết luận buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh chất lượng hoạt động tổ chức, cán bộ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác của toàn Ngành; đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của Vụ TCCB cho sự phát triển chung của Ngành trong thời gian tới. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng bày tỏ sự nhất trí cao với những đề xuất Vụ TCCB đưa ra, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ:

Tổng hợp, rà soát, đánh giá chung trong toàn Ngành về công tác biên chế và kiện toàn lãnh đạo các cấp của các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc biên chế không vượt tổng biên chế của KTNN, cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW; số lượng lãnh đạo của toàn Ngành đảm bảo tuân thủ theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tuy nhiên, có thể linh hoạt cho phù hợp với tính chất, phạm vi, nhiệm vụ chính trị được giao của từng đơn vị.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/BCS và quy định của Luật PCTN theo hướng:  Luân chuyển, điều động giữa các nhóm đơn vị trên địa bàn có tính chất tương đương (về văn hóa, lối sống,..); Quan tâm đến sở trường, kỹ năng, trình độ của cán bộ luân chuyển, điều động; Công tác luân chuyển, điều động kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng để phát hiện, đào tạo các nhân tố mới; Luân chuyển, điều động các công chức đã công tác lâu năm trong đơn vị, nhất là tại các Vụ tham mưu; Có chính sách quy định rõ ràng việc thực hiện luân chuyển, điều động nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác điều động, luân chuyển.

Ưu tiên kiện toàn năng lực đội ngũ lãnh đạo của Trường Đào tạo; đồng thời nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên kiêm chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên... để công tác đào tạo đạt hiệu quả./.
 
Ngọc Bích
 
 
 

Xem thêm »