Hướng tới bộ máy làm công tác pháp chế tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả

05/08/2022
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) - Ngày 4/8/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Vụ Pháp chế.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn chủ trì buổi làm việc

Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; Thủ trưởng một số đơn vị tham mưu: Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ & KSCL Kiểm toán, Văn phòng Đảng-Đoàn thể; Lãnh đạo và công chức Vụ Pháp chế.

Báo cáo về tình hình nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vũ Thanh Hải cho biết, Vụ Pháp chế có 04 phòng chuyên môn: Phòng Tổng hợp; Phòng Thẩm định 1; Phòng Thẩm định 2; Phòng Pháp luật với tổng số cán bộ, công chức 31 người.

Theo chức năng, nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao, Vụ Pháp chế thực hiện công tác xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp, tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN bị khởi kiện và các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích của KTNN theo quy định của pháp luật; Phối hợp với các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và các đơn vị có liên quan trong quá trình giải quyết kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiếm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Thẩm định tính pháp lý của dự thảo Kế hoạch kiểm toán và Báo cáo kiểm toán của các đơn vị trình Tổng Kiểm toán nhà nước xét duyệt…
 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải báo cáo tại buổi làm việc

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, thực hiện Kế hoạch xây dựng dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, Vụ đã tham mưu trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Pháp lệnh và xây dựng dự án Pháp lệnh theo Kế hoạch được giao. Hiện tại, Vụ đã xây dựng dự thảo Pháp lệnh lần 01 và gửi lấy ý kiến thành viên Tổ soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ Dự án theo yêu cầu.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản quản lý (VBQL) năm 2022 của KTNN, KTNN dự kiến ban hành 6 văn bản QPPL và 37 VBQL. Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị chủ trì tham mưu, đề xuất các Tổ soạn thảo trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành; đôn đốc các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo lập kế hoạch xây dựng văn bản và báo cáo tiến độ cụ thể theo Kế hoạch được giao. Đến nay, có 14 văn bản đã ký ban hành; 10 văn bản đang gửi lấy ý kiến các đơn vị trong Ngành; 19 văn bản đang xây dựng dự thảo theo tiến độ.

Trong năm 2022, Vụ Pháp chế được giao chủ trì xây dựng 02 văn bản, gồm: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiện tham nhũng; Quy chế soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản Quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN. Hiện nay, công tác xây dựng 2 văn bản trên đang được tập trung triển khai nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng văn bản trước khi trình Lãnh đạo KTNN xem xét, ký ban hành.

Từ đầu năm đến nay, Vụ Pháp chế đã tham gia góp ý và thẩm định 72 lượt dự thảo văn bản, trong đó có 41 văn bản của đơn vị của KTNN và 31 văn bản của đơn vị ngoài Ngành. Tính đến ngày 29/7/2022, Vụ đã thẩm định 147 dự thảo Kế hoạch kiểm toán, thẩm định 161 dự thảo Báo cáo kiểm toán và tham mưu, phối hợp trả lời 13 kiến nghị kiểm toán đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, Vụ Pháp chế đã phối hợp cùng Vụ Tổng hợp, Đoàn kiểm toán các KTNN chuyên ngành, khu vực rà soát 19 Kế hoạch kiểm toán; rà soát 74 dự thảo Báo cáo kiểm toán.

Về một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới, Vụ sẽ tập trung vào các nội dung: Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo KTNN nhiệm vụ xây dựng Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; hoàn thiện dự thảo Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trình Lãnh đạo KTNN. Xây dựng dự thảo Quy chế soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN theo Kế hoạch được giao; nghiên cứu, tham mưu các vấn đề pháp lý có liên quan trong hoạt động tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của KTNN khi có yêu cầu...
 
Cán bộ công chức Vụ Pháp chế phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng các Phòng của đơn vị đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động của đơn vị. Các ý kiến cũng tập trung nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác thẩm định dự thảo Kế hoạch kiểm toán; nhiệm vụ tham mưu trong công tác khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; nhiệm vụ tham mưu về xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động KTNN và kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị tham mưu đánh giá cao những kết quả đã đạt được và sự phối hợp của Vụ Pháp chế với các đơn vị trong Ngành trong triển khai các nhiệm vụ; đồng thời đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trong việc thực hiện kiểm tra kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, xuất phát từ đặc thù của cơ quan KTNN, trong quá trình kiểm toán, để đảm bảo tính độc lập, KTNN chỉ dựa trên phát luật để đưa ra các kết luận, đánh giá, kiến nghị… nên nhiệm vụ pháp chế là vô cùng quan trọng. Nhận thức được điều đó, trong các hoạt động thẩm định việc chú ý đến khía cạnh pháp lý, áp dụng văn bản pháp luật đã được quan tâm chú trọng. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc KTNN cần phối hợp tốt trong công tác thẩm định kế hoạch cũng như dự thảo Báo cáo kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị thời gian tới, Vụ Pháp chế cần nâng cao việc đào tạo, tự đào tạo về pháp lý, đổi mới phương thức làm việc để đảm bảo các kết luận, kiến nghị của KTNN chính xác, khách quan. Đồng thời quan tâm hơn việc tham gia đóng góp ý kiến vào văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, Bộ, ngành theo yêu cầu…

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Vụ Pháp chế trong thời gian qua cũng như chia sẻ với tập thể Vụ về một số khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách, công tác pháp chế có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo hoạt động của KTNN. Vụ cần hướng tới mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động, đồng thời quan tâm hơn nữa tới việc học tập, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, nhằm tăng cường năng lực cho Vụ, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của KTNN./.
 
Phương Ngọc
 

Xem thêm »