Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn: Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đạo đức công vụ của công chức, Kiểm toán viên trong toàn Ngành

25/08/2022
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) – Chiều 24/8/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường).

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đại diện Lãnh đạo Văn phòng KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Chế độ & Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Trung tâm tin học, Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Thanh tra KTNN, Báo Kiểm toán và toàn thể Lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trường.

Báo cáo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Trường Trần Kim Lộc cho biết, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc KTNN, có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động; hoạt động khoa học công nghệ của KTNN; thực hiện các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân ngoài KTNN có nhu cầu.

Trường có 11 đơn vị cấp phòng trực thuộc, tổng số công chức, viên chức và người lao động 54 người, trong đó có 01 Tiến sỹ, 28 Thạc sỹ, 21 Cử nhân, 04 người trình độ đào tạo dưới đại học. Chuyên ngành đào tạo chủ yếu là khối ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, luật.
 

Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc báo cáo tại buổi làm việc 

Theo Giám đốc Trường, trong 8 tháng đầu năm 2022, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã hoàn thành khối lượng các công việc theo kế hoạch được giao; chất lượng hoạt động của các phòng, ban được nâng lên, từng bước chuyên nghiệp hơn. Để đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và phù hợp với quy định, năm 2022, Trường đã tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chương trình theo định hướng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động kiểm toán, giảm thiểu tính trùng lắp, giảm kiến thức lý thuyết, tăng cường tính thực tiễn. Đến thời điểm hiện nay, Ban chỉ đạo và các Tổ rà soát đang triển khai công việc rà soát, dự kiến đến 30/8/2022 các Tổ rà soát sẽ hoàn thành Dự thảo Báo cáo định hướng hoàn thiện chương trình và đến 15/12/2022 sẽ tổ chức nghiệm thu và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Công tác quản lý, tổ chức các lớp đào tạo của KTNN được mở rộng cả về số lượng, nội dung, hình thức tổ chức và đối tượng đào tạo. Giai đoạn 2021-2022, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, trung bình Trường tổ chức 35- 50 lớp với hình thức đa dạng, kết hợp tổ chức trực tiếp và trực tuyến; các buổi toạ đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán toàn Ngành, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm không có lớp bị huỷ, hoãn.

Hàng năm, Trường phối hợp cùng Vụ TCCB xây dựng 1-2 chuyên đề đào tạo mới, lớp chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán đối với các nội dung gắn với thực tiễn hoạt động của KTNN.

Ngoài đối tượng học viên là Kiểm toán viên của KTNN, Trường đã phối hợp với Vụ HTQT tổ chức các khoá đào tạo theo đề xuất cho các Cơ quan Kiểm toán tối cao khác. Tính đến tháng 8/2022, Trường đã triển khai tổ chức 26 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn, 6 lớp hướng dẫn sử dụng phần mềm, đạt 57,4% kế hoạch năm. Trong đó có 20 lớp theo hình thức trực tuyến, 5 lớp theo hình thức cầu truyền hình, 6 lớp theo hình thức tập trung.

Trường cũng đang triển khai nghiên cứu xây dựng đề án E-learning, kho dữ liệu số phục vụ công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghê thông tin, đào tạo trực tuyến vào hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong công tác quản lý đề tài, 8 tháng đầu năm 2022, Trường đã tổ chức nghiệm thu 04/18 đề tài NCKH cấp Bộ và 22/22 đề tài NCKH cấp cơ sở; tổ chức xét duyệt đề cương, thuyết minh 20 đề tài cấp Bộ và 13 đề tài cấp cơ sở năm 2022; tham mưu trình Lãnh đạo KTNN ký Quyết định phê duyệt danh mục đề tài và phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học năm 2022; tích cực tham mưu triển khai đề tài cấp quốc gia "Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam".

Thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Trường thời gian qua, Giám đốc Trường Trần Kim Lộc đã đưa ra một số kiến nghị với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước về: Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; việc ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công; Đề án nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán...

Tại buổi làm việc đại diện Lãnh đạo các phòng của Trường đã phát biểu ý kiến nêu lên những thuận lợi, khó khăn của Trường trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng kiến nghị, đề xuất những giải pháp để tháo gỡ với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt là trong công tác đào tạo, quản lý nghiên cứu khoa học, Đề án nâng cấp Trường trở thành Học viện Kiểm toán…
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại buổi làm việc
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đánh giá cao tinh thần đoàn kết, những nỗ lực của tập thể Trường trong thời gian qua.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ đã đặt ra cho KTNN nhiều nội dung nghiên cứu, đào tạo mới, phục vụ cho công tác chuyên môn của công chức, Kiểm toán viên toàn Ngành, giúp KTNN ngày càng có nhiều ý kiến tham mưu hữu ích, chính xác phục vụ cho công tác quản lý tài chính công, tài sản công, đáp ứng được sự tin tưởng của Quốc hội, Chính phủ.

Muốn làm được điều đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đề nghị, trong thời gian tới, Trường cần nghiên cứu, tập trung làm tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực trình độ cũng như quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo đạo đức công vụ của công chức, Kiểm toán viên trong toàn Ngành. ”Cần phải đào tạo được một đội ngũ Kiểm toán viên có đầy đủ các phẩm chất: Tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén và chăm chỉ” – ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Từ định hướng đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách gợi mở một số nội dung đề nghị Trường nghiên cứu tổ chức thực hiện về: Tổ chức bộ máy nhân lực, cơ sở vật chất; xây dựng quy định cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của đội ngũ giảng viên kiểm chức của KTNN; cần phải đi trước một bước trong công tác nghiên cứu khoa học, giảm tính hình thức, đi sâu vào thực chất...

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách khẳng định Lãnh đạo KTNN sẽ tạo điều kiện hỗ trợ Trường triển khai thực hiện, trên cơ sở lộ trình rõ ràng, hợp lý, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất./.

M. Thúy
 

Xem thêm »