Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hòa Bình

22/11/2022
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) - Ngày 21/11/2022, thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri Thành phố Hòa Bình.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cùng ĐBQH khóa XV tỉnh Hòa Bình tiếp xúc cử tri Thành phố Hòa Bình

Đoàn ĐBQH tỉnh có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; Thành ủy, UBND Thành phố Hòa Bình, cùng 350 cử tri thuộc 19 xã, phường trên địa bàn Thành phố.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri những kết quả quan trọng trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; hoạt động của ĐBQH tỉnh tại kỳ họp và nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành từ trước Kỳ họp thứ 3 đến trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kết quả, đã thông qua 06 Luật, 13 Nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án Luật, cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án Luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
 

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hòa Bình

Về công tác lập pháp, 06 Luật được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho ý kiến về các dự án Luật, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trong công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể do đã nhận nhiệm vụ khác. Quốc hội cũng bầu phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, Quốc hội đã bầu Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước.

Báo cáo về hoạt động của ĐBQH tỉnh tại kỳ họp, ông Hoàng Đức Chính cho biết, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc các chương trình nghị sự của Quốc hội; có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp vào thành công chung của Kỳ hợp thứ 4. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu 9 lượt ý kiến tại Tổ, 7 lượt ý kiến tại hội trường. Nhiều ý kiến của đại biểu tỉnh Hòa Bình đã được xem xét, tiếp thu. Các đại biểu cũng đã tích cực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm vào các nội dung quan trọng trình, xin ý kiến tại kỳ họp... Đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân Hòa Bình đến với nghị trường Quốc hội; kiến nghị một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, như: Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, miễn, giảm thuế để giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đề nghị Chính phủ xem xét tập trung bố trí vốn cho các dự án còn dang dở, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tính chất lan tỏa vùng; đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong rà soát, đánh giá tổng thể công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 595 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội….

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. Đồng thời đưa ra nhiều ý kiến, tập trung một số nội dung: Quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ tại các xã, phường trên địa bàn thành phố, điển hình là việc thống nhất áp dụng quy định về chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội đặc thù; chính sách người có công với cách mạng, chất độc da cam, đặc biệt là chính sách, chế độ hỗ trợ cho thế hệ thứ 3 bị di chứng bởi chất độc Da cam/Dioxin; bổ sung chế độ trợ cấp cho gia đình có nhiều con (từ 02 con trở lên) bị phơi nhiễm chất độc hoá học, không tự phục vụ được trong sinh hoạt.

Một nội dung khác được cử tri quan tâm là việc sửa đổi Luật đất đai gắn với những vướng mắc đang tồn tại trên thực tế. Theo cử tri, qua quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã bộ lộ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, áp dụng Luật Đất đai và các văn bản có liên quan; đặc biệt là việc áp giá bồi thường, hỗ trợ, thỏa thuận nhận chuyển nhượng thực hiện dự án…
 
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Luyện phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Ý kiến cử tri cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét cụ thể các điều khoản của Luật, sửa đổi các nội dung không còn phù hợp, việc sửa đổi phải đảm bảo để không làm ảnh hưởng đến các dự án đã và đang triển khai. Cử tri cũng đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho một số dự án trên địa bàn thành phố đã có quyết định chủ trương đầu tư…

Một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ của Thành phố Hòa Bình sau khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào Thành phố Hòa Bình theo Nghị quyết số 830-NQ/UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được cử tri bày tỏ sự quan tâm.

Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri. Đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận những kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề chính sách cho các đối tượng trên tinh thần nghiên cứu thấu đáo để đảm bảo hợp lý; đồng thời tổng hợp, báo cáo Quốc hội, cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Làm rõ hơn những vấn đề được cử tri quan tâm, bà Trương Thị Mai khẳng định: Đây là những vấn đề thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh cũng như là mối quan tâm sát sườn của cán bô, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Dẫn các nội dung văn bản liên quan đến chính sách về người có công, về tổ chức bộ máy công chức cấp huyện, xã cũng như vấn đề về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, bà Trương Thị Mai, đã giải đáp làm rõ hơn các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến lĩnh vực tổ chức, tinh giản biên chế; công tác lãnh đạo của Đảng đối với các chính sách đất đai sửa đổi trong thời gian qua; thông tin những định hướng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý đất đai…

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng biểu dương những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung, Thành phố Hòa Bình nói riêng. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, đoàn kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra./.

Phương Ngọc

Xem thêm »