Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc thăm và làm việc với KTNN Vương quốc Anh

29/11/2017
Xem cỡ chữ Google

Nhận lời mời của Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Vương quốc Anh – ông Amyas Morse, được sự cho phép của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ngày 27/11/2017, Đoàn cán bộ cấp cao của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam do Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Kiểm toán Vương quốc Anh (NAO).

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc và Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Vương quốc Anh Amyas Morse tại buổi Hội đàm

 
Cùng đi với Đoàn có lãnh đạo các Vụ chuyên môn của KTNN Việt Nam: Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Văn phòng KTNN và Vụ Hợp tác quốc tế.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã có buổi Hội đàm với Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Cơ quan Kiểm toán Vương quốc Anh Amyas Morse tại trụ sở NAO.
 
Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Vương quốc Anh Amyas Morse nhiệt liệt chào mừng Đoàn cán bộ cấp cao của KTNN Việt Nam đã đến thăm và làm việc với NAO; đặc biệt vui mừng được tiếp Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc tại trụ sở NAO.
 
Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Vương quốc Anh Amyas Morse giới thiệu với Đoàn về chức năng, nhiệm vụ của NAO. NAO được thành lập theo Luật Kiểm toán quốc gia kể từ năm 1983. Kể từ năm 2000, các Luật mới đã được ban hành nhằm phản ánh những thay đổi mới trong cách tổ chức Chính phủ. Theo đó, Luật kế toán và nguồn lực chính phủ năm 2000 quy định về việc chuẩn bị và kiểm toán các khoản thu chi của Chính phủ, được kiểm toán bởi Tổng Kiểm toán và Kiểm soát; Luật Doanh nghiệp năm 2006 quy định Tổng Kiểm toán và Kiểm soát có thể tham gia cạnh tranh để có quyền kiểm toán tất cả các công ty Nhà nước; Luật Kiểm toán Quốc gia và Trách nhiệm giải trình ngân sách năm 2011 quy định Tổng Kiểm toán và Kiểm soát là một công chức độc lập của Hạ viện với nhiệm kỳ 10 năm, do Nữ hoàng Anh bổ nhiệm, trên cơ sở Thủ tướng giới thiệu để Nghị viện thông qua, được bãi nhiệm bởi Nữ Hoàng Anh trên cơ sở tham khảo ý kiến của Nghị viện. 
 
Hiện nay, NAO có khoảng 800 cán bộ công chức, được chia thành 7 Vụ, trong đó 6 Vụ kiểm toán và 01 Vụ phụ trách hành chính quản trị và hợp tác quốc tế. Các Vụ kiểm toán chuyên ngành thực hiện chức năng kiểm toán được chia theo Bộ, ngành. NAO có trách nhiệm kiểm toán các báo cáo tài chính của tất cả các Bộ thuộc Chính phủ trung ương, các cơ quan hành pháp và các cơ quan công khác. NAO có một lượng khách hàng quốc tế gồm Tổ chức Lao động quốc tế và Chương trình Lương thực thế giới. NAO cũng có thể triển khai kiểm toán hoạt động tại một số các tổ chức khác sử dụng quỹ công như quỹ tín thác y tế và trường đại học. NAO có thể mạnh về kiểm toán tài chính, kiểm toán giá trị tiền tệ (kiểm toán hoạt động) và kiểm toán thuế.
 
Tại buổi Hội đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình, hiếu khách của Tổng Kiểm toán và Kiểm soát KTNN Vương quốc Anh Amyas Morse dành cho Đoàn; cảm ơn sự phối hợp, chuẩn bị chuyên nghiệp và chu đáo của các cán bộ, nhân viên NAO.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã giới thiệu tóm tắt với NAO và Tổng Kiểm toán và Kiểm soát KTNN Vương quốc Anh Amyas Morse về sự hình thành và phát triển của KTNN Việt Nam, về Luật KTNN năm 2015, Hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN. “KTNN Việt Nam hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật. Hiện KTNN có trên 2.300 cán bộ, Kiểm toán viên, 32 đơn vị trực thuộc gồm 08 đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, 08 đơn vị KTNN chuyên ngành, 13 đơn vị KTNN khu vực, 03 đơn vị sự nghiệp. Kể từ tháng 7/2016, KTNN Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN bao gồm 39 chuẩn mực theo hướng tuân thủ ISSAIs cho kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước - đánh dấu việc hội nhập mang tính chuyên nghiệp về chuyên môn trong cộng đồng Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI)” – Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nói.
 
Hàng năm, KTNN Việt Nam triển khai kiểm toán hàng trăm cơ quan, đơn vị sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Riêng năm 2017, KTNN Việt Nam đã tổ chức xét duyệt 254/257 Kế hoạch kiểm toán, 190/284 dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT) và phát hành 122/284 BCKT. KTNN Việt Nam đặc biệt chú trọng một số chủ đề kiểm toán là vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm như: Kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết; báo cáo ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2017 và dự toán NSNN năm 2018… Qua kiểm toán KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, thu hồi nhiều văn bản; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. “Trong hoạt động hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam hiện có 19 Thỏa thuận quốc tế với các đối tác song phương, chủ yếu là các cơ quan Kiểm toán tối cao. KTNN Việt Nam cũng tích cực tham gia các tổ chức đa phương như INTOSAI, Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI), và là một trong 04 thành viên sáng lập Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI). Đặc biệt, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 13 ở Malaysia, KTNN Việt Nam đã được ASOSAI phê chuẩn đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào năm 2018 và sẽ là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021” - Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã mời Tổng Kiểm toán và Kiểm soát NAO sang thăm và làm việc tại Việt Nam nhân dịp Đại hội ASOSAI 14 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 19 – 22/9/2018; dự Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” tổ chức vào tháng 9/2018. 
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, quan hệ hợp tác song phương giữa hai Cơ quan sẽ được tăng cường hơn nữa thông qua các hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả. Xúc tiến gặp gỡ, tiếp xúc bên lề, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau tại các sự kiện đa phương do INTOSAI tổ chức. 
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam chúc mối quan hệ hợp tác giữa hai Cơ quan sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trên cương vị, chức năng, nhiệm vụ của hai Bên.
 
Tại Hội đàm, hai Bên đã cùng chia sẻ nhiều nội dung về chuyên môn kiểm toán. Theo đó, NAO đã trao đổi với KTNN Việt Nam về: Tính độc lập của NAO trong việc quyết định kế hoạch kiểm toán; Quy trình xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm và của từng cuộc kiểm toán; Các tiêu chí và cơ sở để xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm và của từng cuộc kiểm toán; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng kế hoạch kiểm toán; Kinh nghiệm sử dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán để lập kế hoạch kiểm toán; Kinh nghiệm kiểm soát chất lượng thực hiện kế hoạch kiểm toán, đảm bảo chất lượng kiểm toán…
 
KTNN Việt Nam đề nghị NAO tiếp tục chia sẻ Luật KTNN Vương quốc Anh, quy trình kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán thuế và các công cụ hỗ trợ hoạt động kiểm toán - phần mềm kiểm toán. 
 
Hai Bên đã thống nhất trong thời gian tới sẽ tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ tài liệu chuyên môn về kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài chính... NAO sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về trong các hội thảo, tọa đàm.
 
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Anh, ngày 28/11/2017, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc và Đoàn đã tới thăm và làm việc với Tổng Giám đốc Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) toàn cầu và Tổng Giám đốc Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) toàn cầu, nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác theo nội dung đã được ký kết với ACCA và ICAEW./.
 
Một số kết quả hợp tác giữa KTNN Việt Nam và NAO 

Từ tháng 3/2011 – 3/2012, Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) đã hỗ trợ KTNN Việt Nam thực hiện “Kế hoạch hành động phát triển KTNN đến năm 2020 giai đoạn 2012 – 2015”: Tổ chức các đoàn đánh giá về thực trạng và nhu cầu của KTNN Việt Nam trên lĩnh vực pháp lý, phát triển nguồn nhân lực, phương pháp kiểm toán, công nghệ thông tin, thông tin truyền thông và quan hệ quốc tế. Đồng thời hỗ trợ KTNN Việt Nam xây dựng “Kế hoạch hành động về chủ đề Hội nhập và hợp tác quốc tế”, xây dựng “Văn kiện dự án hỗ trợ KTNN thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2012 – 2015”. 
 
Cụ thể: 
 
Tháng 02/2012, DFID đã giúp hỗ trợ cùng KTNN Việt Nam hoàn thiện khung “Văn kiện dự án tổng thể giai đoạn 2012 – 2015” trình Lãnh đạo KTNN phê duyệt. Ngày 20/3/2012: Tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ "Hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động phát triển KTNN giai đoạn I (2012 - 2015)”; hỗ trợ KTNN Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo tổng kết 05 năm thực hiện Luật KTNN và đề xuất sửa đổi bổ sung.
 
Năm 2014 - 2015, KTNN Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm về kiểm toán thuế, kiểm toán dự toán ngân sách Nhà nước, kiểm toán nợ công của NAO (thông qua hình thức trao đổi tài liệu) nhằm phục vụ cho quá trình sửa đổi Luật KTNN.
 
Tháng 12/2016, bên lề Đại hội INTOSAI lần thứ 22 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam và ông John Thorpe - Phó Tổng KTNN Vương quốc Anh đã có buổi gặp gỡ trao đổi để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai Bên.
 
Bên cạnh đó, KTNN Việt Nam đã có hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các tổ chức nghề nghiệp của Anh như: ACCA, ICAEW. ACCA là một trong những đối tác có hoạt động hợp tác thường xuyên và thực chất của KTNN Việt Nam, hỗ trợ phát triển các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp kiểm toán qua việc tổ chức hội thảo thường niên, hỗ trợ đào tạo, các hoạt động trao đổi thảo luận trên các diễn đàn nghề nghiệp dành cho hội viên của ACCA. KTNN Việt Nam và ICAEW mới thiết lập mối quan hệ từ tháng 3/2016, các hoạt động hợp tác trao đổi giữa KTNN Việt Nam và các tổ chức này đã và đang góp phần thiết thực cho việc hiện đại hóa và củng cố năng lực chuyên môn của đội ngũ Kiểm toán viên của KTNN Việt Nam.  

Minh Thúy
 

Xem thêm »