Hướng tới tầm nhìn phát triển KTNN đến năm 2020 (Phỏng vấn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020)

01/03/2016
Xem cỡ chữ Google

Ngay trong những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đã chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán về những kết quả mà ngành KTNN đạt được sau hơn nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch Chiến lược (KHCL) phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017.


Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán

Thưa ông, toàn ngành KTNN đã đạt được những thành tựu nổi bật nào sau 3 năm thực hiện KHCL phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017?

Có thể nói đây là lần đầu tiên KTNN xây dựng KHCL phát triển KTNN một cách bài bản, toàn diện, cụ thể theo từng mục đích, mục tiêu, các chỉ số đo lường gắn với từng hoạt động và thời gian thực hiện... để thực hiện trong giai đoạn 2013-2017 nhằm tiến tới hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Toàn bộ nội dung chính trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được cụ thể hóa thông qua 8 Mục đích với 29 Mục tiêu chiến lược trong bản KHCL, hướng tới giá trị cốt lõi “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả - Không ngừng gia tăng giá trị” và “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng” và cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nổi bật trong đó phải kể đến việc địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước được hiến định, Luật KTNN được sửa đổi; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp hơn; mô hình cấp phòng tại các đơn vị trực thuộc được kiện toàn theo hướng chuyên sâu; hệ thống chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế đã và đang gấp rút được hoàn thiện; công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới từ xây dựng kế hoạch đến xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao; công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán được đổi mới toàn diện từ tư duy cách tiếp cận đến thực tế triển khai; đồng thời từng bước phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; bước đầu xây dựng và không ngừng tăng cường năng lực kiểm toán hoạt động; tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế song phương và đa phương theo cả chiều rộng và chiều sâu; đề án tổng thể phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN giai đoạn 2015-2020 được ban hành và bắt đầu triển khai có kết quả nhất định, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác kiểm toán ngày càng được chú trọng và áp dụng rộng rãi…

Theo nhận định của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, quá trình triển khai KHCL phát triển KTNN từ năm 2013 đến nay có những thuận lợi và khó khăn gì? 

Trước hết nói về thuận lợi, thứ nhất, KTNN đã xây dựng KHCL rất bài bản và cụ thể, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện. Thứ hai, Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã dành sự quan tâm đặc biệt, sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các mục đích chiến lược thông qua các hoạt động, tiểu hoạt động. Thứ ba, KTNN nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, qua đó tạo thêm động lực cho KTNN quyết tâm triển khai KHCL.

Về khó khăn, thách thức, trước hết là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện KHCL phát triển KTNN của một số cán bộ, công chức, kiểm toán viên còn hạn chế; vẫn còn tâm lý ngại đổi mới. Ngoài ra, những hạn chế về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng là những khó khăn không nhỏ mà KTNN phải đối mặt. 

Vậy đến thời điểm này, KTNN đã đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm gì từ việc triển khai KHCL phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, thưa ông? 

Một số bài học kinh nghiệm rút ra đó là:

Thứ nhất, việc xây dựng KHCL phải cụ thể, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện KHCL nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất từ tư duy đến nhận thức và hành động.

Thứ ba, cần có sự kiên trì, tập trung quyết tâm cao từ lãnh đạo ngành đến các đơn vị trong thực hiện KHCL.

Thứ tư, phải xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động cụ thể.

Thứ năm, kế hoạch công tác hàng năm của ngành và của từng đơn vị phải có sự gắn kết với các mục đích, các hoạt động trong KHCL.

Thứ sáu, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, khi cần thiết, có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể chia sẻ định hướng của lãnh đạo ngành đối với việc thực hiện KHCL phát triển KTNN trong 2 năm 2016-2017 là gì? 

Trong hai năm tới, toàn ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện Luật KTNN có hiệu lực ngay từ đầu năm 2016, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Thứ hai, hoàn thành việc xây dựng và ban hành Hệ thống 40 Chuẩn mực KTNN trong quý II/2016, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện, chỉ đạo thực hiện tốt từng bước các chuẩn mực.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên cả về kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới có hiệu quả công tác lập KHKT và kiểm soát chất lượng kiểm toán; đẩy mạnh và mở rộng kiểm toán hoạt động; đẩy nhanh việc áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong hoạt động kiểm toán.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động kiểm toán. Thứ sáu, tiếp tục phát triển hoạt động hợp tác quốc tế cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tích cực hội nhập, phát huy vai trò chủ động của KTNN trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và trên thế giới; đặc biệt tập trung nỗ lực toàn ngành để chuẩn bị cho sự kiện KTNN Việt Nam được lựa chọn đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Việt Nam. 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đặt niềm tin và kỳ vọng như thế nào vào việc thực hiện KHCL phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, tiến tới thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 của toàn ngành?

Năm 2016 là năm thứ tư và cũng là năm gần cuối thực hiện KHCL phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017. Đây là năm đặc biệt quan trọng với nhiều hoạt động, tiểu hoạt động phải gấp rút hoàn thành, từ đó tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành KHCL 2013-2017, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn kết thúc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Tôi hy vọng trong năm 2016, phát huy những thành quả đã đạt được, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao, toàn ngành sẽ tập trung tối đa toàn bộ mọi nguồn lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đề ra theo từng mục tiêu, mục đích chiến lược 2013-2017, hướng tới tầm nhìn phát triển KTNN “Là cơ quan kiểm toán tài chính công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

(Báo Kiểm toán số 8/2016)

Xem thêm »