Ngày 08 tháng 01 năm 2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ký Quyết định số 13/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy chế thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước và thay thế Quyết định số 01/2007/QĐ-KTNN ngày 21/5/2007.
Theo Quyết định, Quy chế này bao gồm 05 chương và 32 điều quy định cụ thể về đối tượng dự thi, điều kiện, nội dung, hình thức thi; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Hội đồng thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước; quy định quy trình, quản lý cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước. Việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm nghiêm túc, công bằng, công khai và dân chủ, cụ thể:
KTNN tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước đối với các công chức làm công tác kiểm toán của KTNN chưa được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán viên, kiểm toán viên chính phải có đủ các điều kiện như có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và được đơn vị cử tham dự kỳ thi; Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối ngành kinh tế bao gồm các ngành: kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật,… hoặc khối kỹ thuật gồm các chuyên ngành về xây dựng, thủy lợi, kiến trúc,… hoặc các chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán; Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn ngạch kiểm toán viên đối với công chức ở ngạch kiểm toán viên dự bị, ngạch chuyên viên và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn ngạch kiểm toán viên hoặc kiểm toán viên chính đối với công chức ở ngạch chuyên viên chính và tương đương; Có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên trở lên; Chứng chỉ khác theo yêu cầu của Tổng KTNN tại mỗi kỳ thi; Không trong thời gian bị xem xét kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Ngoài ra, những đối tượng khác dự thi do Tổng KTNN quyết định.
Người dự thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước phải dự thi các môn thi sau:
(1). Kiến thức chung về KTNN bao gồm tổ chức, hoạt động của KTNN; Văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước.
(2). Kiến thức về quản lý bao gồm ngân sách; tài chính doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; Dự án đầu tư xây dựng công trình.
(3). Chuẩn mực và quy trình kiểm toán của KTNN.
(4). Nghiệp vụ kiểm toán bao gồm ngân sách; tài chính doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; Dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tổng KTNN quyết định nội dung, hình thức, thời gian, các môn thi trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thi, Vụ Tổ chức cán bộ và quyết định cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước đối với những người đạt yêu cầu của kỳ thi, cụ thể:
Người dự thi phải có kết quả mỗi môn thi đạt yêu cầu từ 50 điểm trở lên theo thanh chấm điểm 100 và đạt yêu cầu kỳ thi cả 4 môn với tổng số điểm từ 240 điểm trở lên. Đối với những người đăng ký dự thi có chứng chỉ CPA Việt Nam hoặc chứng chỉ kiểm toán quốc tế được miễn thi môn kiến thức về ngân sách; tài chính doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; Dự án đầu tư xây dựng công trình và phải đạt yêu cầu kỳ thi cả 3 môn còn lại với tổng số điểm từ 180 điểm trở lên.
Kiểm toán viên nhà nước sẽ bị thu hồi chứng chỉ khi kê khai hồ sơ không trung thực về quá trình và thời gian làm việc; sửa, giả mạo hoặc gian lận về bằng cấp, chứng chỉ để đủ điều kiện dự thi; thi hộ người khác hoặc nhờ người khác thi hộ trong kỳ thi; công chức khi chuyển ra khỏi các ngạch kiểm toán viên hoặc chuyển công tác ra khỏi ngành; công chức bị kỷ luật buộc thôi việc; và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Tổng KTNN giao Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thi, quản lý cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước./.
KD