Văn phòng Tổng kiểm toán Canada: 3,1 tỷ USD chống khủng bố đã đi đâu?

23/05/2013
Xem cỡ chữ Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chính phủ cần theo dõi và đánh giá chặt chẽ hơn việc sử dụng ngân sách của các Bộ và các cơ quan để đảm bảo tính hiệu quả cho ngân sách liên bang, Văn phòng Tổng Kiểm toán Canada cho biết trong bản báo cáo kiểm toán công bố ngày 30/4 vừa qua. Một trong những vấn đề nổi bật mà báo cáo nêu ra là sự “mất tích” của 3,1 tỷ USD dành cho một chương trình cấp quốc gia về an ninh công cộng và chống khủng bố.

Chương trình Sáng kiến an ninh công cộng và chống khủng bố (PSAT) đã được Chính phủ Canada khởi tạo sau cuộc tấn công khủng bố 11/9 kinh hoàng tại Mỹ năm 2001, chịu sự quản lý của Ủy ban Ngân khố - một Ủy ban nội các của Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Canada.

Theo báo cáo, từ năm 2001-2009, Ủy ban Ngân khố đã phân bổ số tiền 12,9 tỷ USD cho tổng cộng 35 Bộ và cơ quan để tài trợ cho các hoạt động liên quan đến vấn đề an ninh công cộng và chống khủng bố. Tuy nhiên, số tiền đã sử dụng theo báo cáo của các Bộ và cơ quan chỉ là 9,8 tỷ đồng. 3,1 tỷ USD còn lại chưa được hạch toán còn là một câu hỏi lớn mà Văn phòng Tổng Kiểm toán đã đặt ra.

Tổng Kiểm toán Michael Ferguson ngày 30/4 cho hay hiện tại không có bằng chứng cho thấy sai phạm trong việc sử dụng 3,1 tỷ USD trên, nhưng nhấn mạnh rằng số tiền đó đã không được hạch toán rõ ràng. Ông cũng lưu ý, với thực tế này, Chính phủ đang bỏ lỡ cơ hội để chứng tỏ với người dân Canada về những nỗ lực chống khủng bố của mình.

Phản hồi lại báo cáo của Văn phòng Tổng Kiểm toán, cùng trong ngày 30/4, Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Tony Clement đã nhấn mạnh rằng không có bằng chứng của việc chi tiêu sai phạm. Theo ông Clement, một số dự án trang bị cho quân chủng biên phòng, hỗ trợ hoạt động an ninh biển và một số hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan triển khai dưới sự tài trợ của PSAT vẫn nằm ngoài cơ chế phân loại của Ủy ban Ngân khố và do đó không được ghi nhận vào số sổ sách mà Văn phòng Tổng Kiểm toán kiểm tra. Ông nói thêm, một số trường hợp, các chương trình còn đang trong quá trình thực hiện và các khoản chi chỉ đơn thuần là được chuyển sang các năm kế tiếp.

Bản báo cáo ban hành trong bối cảnh chống khủng bố đang là chủ đề chi phối sự quan tâm của công chúng và Quốc hội. Trước đó 1 tuần, ngày 23/4, Cảnh sát Hoàng gia đã bắt giữ hai người đàn ông quốc tịch nước ngoài có âm mưu tổ chức một cuộc tấn công khủng bố làm trật đường ray một đoàn tàu chở khách tại khu vực Toronto. Cuộc tấn công được cho là có sự hậu thuẫn từ mạng lưới Al-Qaeda.

Vấn đề an toàn và an ninh cũng được đề cập trong các chương khác trong bản báo cáo kiểm toán. Một số Bộ như Bộ Quốc phòng đã không đảm bảo đủ những quy trình trong việc kí kết hợp đồng với các công ty tư nhân nhằm bảo vệ sự an toàn cho các thông tin hay tài sản có tính nhạy cảm của Chính phủ. Kiểm toán cho thấy, nhiều công ty tư do Chính phủ thuê để thực hiện một số hợp đồng trên thực tế không đáp ứng đủ mức độ bảo đảm an ninh theo yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Peter MacKay cũng bị chỉ trích do công tác quản lý yếu kém các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Tổng Kiểm toán Ferguson cho hay, với tình trạng cũ kĩ của các trang thiết bị và sự thiếu hụt nhân lực như hiện nay, Văn phòng Tổng kiểm toán thực sự lo ngại về tính bền vững của hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Một dự án thay thế hệ thống máy bay cũ đã được lập ra từ năm 2002, song lại phải đối mặt với nhiều tranh cãi đối lập nên đã buộc phải dời đến năm 2015-2016 mới có thể tiếp tục triển khai. Hệ thống quản lý thông tin điều hành các cuộc tìm kiếm cứu nạn cũng cần phải được xem xét lại do không đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng.

Văn phòng Tổng Kiểm toán cũng kiểm toán công tác đánh giá của các Bộ đối với các chương trình, dự án để đưa ra các quyết định phân bổ vốn. Kết quả kiểm toán cho thấy, vẫn còn tồn tại yếu kém nghiêm trọng trong công tác đánh giá dự án tại Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy sản và Đại dương.  Hệ quả là các quyết định cho nhiều chương trình được tạo nên dựa trên lượng thông tin không đầy đủ. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp đã không đánh giá các chương trình lớn sau 5 năm theo yêu cầu của Đạo luật Quản lý tài chính.

Thông tin về số ngân sách chi cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) cũng khá hạn chế. Ông Ferguson cho hay, báo cáo hàng năm gửi lên Quốc hội về các khoản tiền trao cho các tổ chức đa phương vẫn còn thiếu rõ ràng và không chính xác. Theo luật Canada, các chương trình ODA sẽ tập trung vào các vấn đề xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quyền con người. Trong năm 2010-2011, Canada đã chi khoảng 5,2 tỷ USD cho viện trợ phát triển.

Văn phòng Tổng Kiểm toán Canada cũng đã kiểm toán Cơ quan Y tế công Canada, Bộ Y tế và Viện Nghiên cứu sức khỏe. Từ năm 2005, Cơ quan Y tế công Canada  nhận 18 triệu USD mỗi năm để đối phó với căn bệnh tiểu đường tại quốc gia này nhưng lại không giám sát chặt chẽ chương trình và không đưa ra được chiến lược, mục tiêu ưu tiên, phương pháp hoạt động và kì vọng kết quả cho các chương trình. Chính phủ cũng đã cấp 44 triệu USD cho các cuộc nghiên cứu về bệnh tiểu đường tại Viện Nghiên cứu sức khỏe trong năm 2011-2012. Tiểu đường là căn bệnh đang ngày càng lan rộng và gia tăng nhanh chóng trong cư dân Canada. Từ năm 1999 đến 2009, số ca bị tiểu đường ở Canada đã tăng 70% và số người mắc bệnh hiện nay ở Canada là gần 2,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 6,8% dân số)./.

Theo Báo Kiểm toán số 21/2013
 

Xem thêm »