Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011

10/04/2013
Xem cỡ chữ Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII, sáng ngày 10/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và sự góp mặt của các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Huỳnh Ngọc Sơn; Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011. Tham dự Phiên họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN)... Đây là một trong những nội dung quan trọng của Phiên họp để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh đã trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Báo cáo nêu khái quát về quyết toán thu, chi trong cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi NSNN và các khoản vay bù đắp bội chi NSNN. Báo cáo cũng phản ánh tình hình và số liệu tổng hợp về kết quả xử lý kiến nghị của KTNN đối với công tác quản lý NSNN năm 2010 tính đến ngày 15/3/2013 qua theo dõi của Bộ Tài chính. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ quyết toán NSNN năm 2011.

Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng trình bày trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp này được xây dựng trên cơ sở kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kết quả kiểm toán tại 160 đơn vị đầu mối trong năm 2012. Dự thảo Báo cáo đã thể hiện các nội dung về quyết toán thu, chi cân đối NSNN; các khoản thu, chi quản lý qua NSNN và nguồn trái phiếu Chính phủ; dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2011về niên độ ngân sách năm 2010; kiến nghị của KTNN thông qua kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ NSNN năm 2011. Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN đối với niên độ ngân sách 2011. KTNN đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011 với số liệu cụ thể về thu, chi cân đối NSNN, bội chi NSNN và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN.

Tại phiên họp, UBTVQH nhất trí cho rằng, về cơ bản, công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN năm 2011 của các Bộ, ngành và địa phương được thực hiện tốt hơn các năm trước đây; công tác quyết toán NSNN đã bảo đảm quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, nhiệm vụ thu, chi NSNN đạt kết quả quan trọng, thể hiện nỗ lực của các Bộ, ngành địa phương trong công tác quản lý thu, chi ngân sách. Theo đó, thu cân đối NSNN đạt 721.804 tỷ đồng, tăng 21,3% so với dự toán; quyết toán chi NSNN đạt 787.554 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán; bội chi NSNN thấp hơn mức Quốc hội cho phép (bội chi NSNN 112.034 tỷ đồng bằng 4,4% GDP, trong khi mức bội chi Quốc hội cho phép là 120.600 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP). Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, tính đến ngày 31/12/2011, dư nợ Chính phủ bằng 43,1%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 41,5% GDP, trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, dự thảo báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2011của KTNN cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN. Cụ thể, một số Bộ, ngành địa phương giao dự toán còn chậm, không giao dự toán ngay từ đầu năm; bố trí kinh phí sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dự phòng không đúng tỷ lệ quy định…; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải; phân bổ vốn không đảm bảo cơ cấu được giao; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước và trả nợ XDCB chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến số dư ứng trước dự toán và số dư nợ đọng lớn… Trong quản lý thu NSNN, nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật trong kê khai thuế, xác định ưu đãi thuế…dẫn đến kê khai thuế; những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý thu từ đất, làm thất thu NSNN. Về quản lý chi NSNN, kết quả kiểm toán cho thấy tại một số địa phương xảy ra tình trạng chi vượt dự toán; chi thường xuyên sai quy định; chi chuyển nguồn lớn; việc ghi thu ghi chi chưa đảm bảo kịp thời, đầy đủ.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, tính đến 31/12/2012 đạt 71,62% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính, trong đó sai phạm trong chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ khá lớn.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài Chính và KTNN hoàn thiện các báo cáo liên quan tới quyết toán NSNN năm 2011 trên cơ sở phân tích tình hình đúng với thực chất quyết toán NSNN. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vấn đề đổi mới cách làm báo cáo quyết toán NSNN hàng năm, không chỉ dừng lại ở việc nêu ra con số mà qua con số cần nói lên hiệu quả của việc thu, chi ngân sách, quản lý nhà nước trong từng khâu, từng lĩnh vực cũng như thực trạng điều hành quy trình quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN. Đặc biệt, cần phân tích đánh giá sâu những sai sót, hạn chế, yếu kém đã tồn tại nhiều năm nay như tình trạng nợ xây dựng cơ bản cao, chuyển nguồn lớn, tổng chi một số lĩnh vực không đạt dự toán…. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kết luận kiến nghị của KTNN và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nêu ra, đồng thời rút kinh nghiệm và có biện khắc phục những tồn tại, hạn chế. Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 đã đảm bảo đủ điều kiện để trình ra Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII./.

Hà Linh

 

 

 

 


 

Xem thêm »