Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ: Nên cơ cấu lại nguồn chi ngân sách nhà nước

22/02/2011
Xem cỡ chữ Google

Một trong những nội dung trọng tâm các Bộ, ngành và địa phương chú trọng thực hiện trong năm 2011 là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường...

Tiếp tục phiên họp thứ 38, hôm nay 18/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011; Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, tình hình triển khai thực hiện ngân sách nhà nứơc năm 2011.

Theo Báo cáo của Chính phủ, một số chỉ tiêu đã đạt mức cao hơn dự kiến. GDP cả năm 2010 tăng 6,78%, cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (6,7%) và cao hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 26,4% (ước hoàn thành là 19,1%), tăng 26,4% so với năm 2009 và gấp 4 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009 và bằng 41,9% GDP (kế hoạch là 39,5% GDP).

Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,45%, tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ, môi trường tiếp tục có bước phát triển tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.

Trong 21 chỉ tiêu đề ra của kế hoạch, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Báo cáo đã nêu 5 nội dung trọng tâm các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện trong năm 2011. Đó là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; Tập trung chỉ đạo, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011 vượt trên 5% so với dự toán được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao; Quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới mức đã được Quốc hội quyết định (5,3% GDP); hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu từ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước…

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên vào cuối năm 2010 vẫn xuất hiện một số diễn biến tác động không thuận đến kinh tế- xã hội cuả đất nước. Đó là chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,86% so với tháng 10, tháng 12 tăng 1,98% so với tháng 11 đã đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm lên 11,75%, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp.

Đa số các ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Đó là mô hình tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển theo chiều rộng, việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý đã tác động lớn tới các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần có một đánh giá toàn diện hơn về tăng trưởng, đồng tình với các giải pháp của Chính phủ về kiểm chế lạm phát cho năm 2011, đánh giá tác động của những giải pháp này đối với họat động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần tăng cường quản lý chặt hơn nữa với thị trường ngoại tệ, tránh nguy cơ mất cân đối lớn.

Thu ngân sách vượt 23,6% so với dự toán

Thu ngân sách nhà nước năm 2010 đạt 570.288 tỷ đồng, vượt 23,6% so với dự toán năm và tăng 8% so với báo cáo Quốc hội (42.188 tỷ đồng). Chi NSNN vượt 16,9% so với dự toán, trong đó tập trung tăng chi cho đầu tư phát triển, vượt 45,1%. Bội chi NSNN bằng 5,6% GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán đầu năm.

Theo Báo cáo Đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, tình hình triển khai thực hiện NSNN năm 2011, mức tăng trưởng thu chi năm 2010 đã góp phần tích cực vào hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ tài chính- NSNN của giai đoạn 2006-2010.

Còn theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đầu tư công những năm qua có xu hướng tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội. Cụ thể, năm 2007 chiếm 37,2%, năm 2008 chiếm 33,9%, năm 2009 chiếm 40,6% và năm 2010 chiếm 46,2%.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho rằng, trong năm 2011, để tăng nguồn lực cho đầu tư, ngân sách nhà nước cần tập trung vào thu từ sử dụng đất, bởi đây là một nguồn lực lớn, các đợt kiểm toán 2-3 năm gần đây cho thấy tăng thu chủ yếu từ nguồn đất. Chính phủ và các địa phương cần rà soát xác định lại, nhất là dự án đã giao cho các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, nên cơ cấu lại nguồn chi NSNN, trong đó nên dành một phần dự phòng cho cải cách tiền lương và cần tăng tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường khoán biên chế để giảm áp lực chi. Đồng thời, cần mạnh dạn hơn chi cho KHCN, môi trường, tập trung cho các dự án nghiên cứu KH trọng điểm...
   
Theo mof.gov.vn
                                                      

Xem thêm »