Coi đạo đức là sống còn và đạo đức nghề nghiệp là số một

08/01/2018
Xem cỡ chữ Google

Như tin đã đưa, ngày 20/10, tại TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập KTNN khu vực VII và Sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái; ký Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Yên Bái. Tại buổi Lễ, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước - đã có bài phát biểu quan trọng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc

Bên cạnh nhiều nội dung quan trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bài phát biểu của đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước còn có ý nghĩa định hướng, chỉ đạo đối với hoạt động của KTNN khu vực VII nói riêng và của toàn Ngành trong thời gian tới. Báo Kiểm toán xin trích giới thiệu những nội dung quan trọng này.

...“Hiện nay, địa vị pháp lý của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, cùng với Luật KTNN sửa đổi, bổ sung năm 2015 và các văn bản có liên quan là nền tảng pháp lý rất quan trọng để KTNN hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, hình ảnh của KTNN đang ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ qua hoạt động của toàn Ngành và kết quả kiểm toán thời gian qua được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, ghi nhận. Có được những thành quả đó, trước hết là do KTNN luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tin cậy của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ có trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan hữu quan và các địa phương; sự nỗ lực, sáng tạo của cán bộ, công chức, người lao động của KTNN.

Chỉ tính riêng năm 2016, KTNN đã thực hiện 276 cuộc kiểm toán, đã kiến nghị xử lý về tài chính trên 38 nghìn tỷ đồng, đề nghị sửa đổi, hủy bỏ 150 văn bản pháp luật để bịt các lỗ hổng pháp lý về quản lý kinh tế - xã hội, tài chính và ngân sách. Ngoài ra, KTNN còn thực hiện nhiều cuộc kiểm toán theo yêu cầu của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và đạt được kết quả tốt, như kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa; kiểm toán các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT…

Theo kết quả sơ bộ hoạt động 9 tháng đầu năm, qua kiểm toán KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 22 nghìn tỷ đồng, trong đó thu về NSNN hơn 11 nghìn tỷ đồng và đã kiến nghị sửa đổi 40 văn bản pháp luật. KTNN đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, nghiên cứu các đề tài khoa học, có nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực với Đảng, Nhà nước nhằm ngăn chặn, bịt các lỗ hổng gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước do bất cập của cơ chế, chính sách… Những kết quả đó đã làm tăng thêm uy tín, hình ảnh, vị thế của KTNN.

Trong thời gian tới, KTNN sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực phấn đấu, đoàn kết hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Cụ thể là:

Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự biến đổi rất lớn về kinh tế - xã hội, cách thức quản lý. Điều này đòi hỏi KTNN phải vươn lên, sử dụng và làm chủ các công cụ công nghệ thông tin, tích cực ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để làm tốt hơn vai trò của mình trong kiểm toán tài chính công, tài sản công.

Thứ hai, về yêu cầu phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, ngoài thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo kế hoạch được giao hằng năm, ngành KTNN cần sẵn sàng tham gia thực hiện các vụ việc đột xuất do lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng, đòi hỏi sự sắc bén, bản lĩnh, kiến thức vững vàng; năng lực, phương pháp tốt của mỗi công chức, Kiểm toán viên nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Thứ ba, việc công khai, minh bạch, sự giám sát của Quốc hội, của nhân dân đối với KTNN. Từ trước đến nay, việc công khai đã có quy định và thực hiện theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, việc giám sát chưa thực hiện được nhiều, hình thức công khai tới các đơn vị chưa được thực hiện đều đặn. Theo yêu cầu của Trung ương, các kết luận thanh tra, kiểm toán phải được công khai, trong đó có công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; do đó, chúng ta cần phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ này.

Thứ tư, hiện nay hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra có nhiều cuộc trùng lặp với các cuộc kiểm toán, do đó, chúng ta cần chủ động phối hợp và có sự phối hợp tốt với cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp để tránh gây khó khăn cho DN, địa phương và các đơn vị được kiểm toán.

Thứ năm, toàn ngành KTNN đang quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Ngành thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công chuyên nghiệp, trách nhiệm, uy tín và hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế. Đây là mục tiêu vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, luôn đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Ngành, của mỗi công chức, viên chức và người lao động của KTNN.

Tôi hoàn toàn đồng tình với những giải pháp, nhiệm vụ công tác đã được KTNN khu vực VII đề ra trong thời gian tới và nhấn mạnh thêm một số vấn đề đối với KTNN khu vực VII nói riêng và trong toàn Ngành nói chung, như sau:

Trước hết, các đồng chí cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ theo Kế hoạch kiểm toán năm 2017 đã được duyệt; xây dựng kế hoạch 2018 sát, đúng yêu cầu, đảm bảo bao quát được những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội đang quan tâm; chấp hành nghiêm quy trình, quy định của Ngành. Bên cạnh đó, phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm toán viên - đây là yêu cầu hết sức quan trọng quyết định mọi thắng lợi của Ngành. Tập trung chăm lo công tác đào tạo, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ có năng lực, sắc sảo về chuyên môn, luôn được rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức và tác phong nghề nghiệp.

Như các đồng chí đều biết, là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất, ngành KTNN luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp. Coi đạo đức là sống còn và đạo đức nghề nghiệp là số một. Trong vấn đề đạo đức thì trung thực, liêm chính, trách nhiệm và bản lĩnh là những yếu tố hết sức quan trọng. Đặc biệt là, ngoài bản lĩnh vượt khó, người Kiểm toán viên nhà nước cần phải có bản lĩnh từ chối và vượt qua cám dỗ.

Muốn thế, mỗi chúng ta phải luôn rèn luyện, làm việc theo những chuẩn mực nghề nghiệp đã ban hành; xây dựng mối quan hệ tốt với các địa phương, không quan liêu, tránh gây phiền nhiễu cho các đơn vị được kiểm toán. Với KTNN khu vực VII điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, do địa bàn công tác của đơn vị thuộc các tỉnh miền núi, biên giới.

Chúng ta cần nghiên cứu để rút ngắn thêm thời gian kiểm toán, thay đổi đối tượng kiểm toán hằng năm một cách phù hợp để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho địa phương, DN; cung cấp kịp thời kiến nghị kiểm toán cho cơ quan giám sát, quản lý tại các địa phương; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn công tác. Mỗi cán bộ, công chức, người lao động có một hành vi đẹp, gương mẫu thì ngành Kiểm toán chúng ta là một rừng hoa đẹp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu quý, tin cậy hơn”.

NGUYỄN LỘC (ghi)
(Theo Báo Kiểm toán điện tử)

Xem thêm »